Quy trình SEO chuyên nghiệp

Bạn muốn tìm hiểu Quy trình SEO dành cho người làm dịch vụ như thế nào? Để có thể triển khai tối ưu hóa website của khách hàng, hay tự làm cho chính trang web của công ty bạn.

Vậy vui lòng xem những bước chính như dưới đây nhé.

Nội dung chính

Chuẩn bị: nghiên cứu nhu cầu, hiện trạng…
Xây dựng bộ từ khóa
Thao tác website
Cài đặt các công cụ SEO
Phân tích website của đối thủ
Triển khai SEO onpage
Triển khai SEO offpage
Quản trị website hiệu quả
Theo dõi, phân tích, đánh giá

Ghi chú: bài này viết cho những người làm nghề SEO (hay còn gọi là SEO Agency, hay SEOer). Nếu bạn là khách hàng thuê dịch vụ tối ưu hóa, thì nên đọc Quy trình SEO cho khách hàng phối hợp. Trong đó, các bước được sắp xếp lại và giải thích theo ngôn ngữ cho người mới tiếp cận lĩnh vực này có thể dễ hiểu hơn.

Để bài viết không quá dài, và chỉ tập trung vào việc triển khai các bước dịch vụ, tôi giả định rằng bạn đã làm xong công đoạn báo giá, và cơ bản đã dự thảo xong hợp đồng dịch vụ SEO rồi. Giờ chỉ cần chốt lại những vấn đề quan trọng để ký hợp đồng và bắt tay vào làm thôi.

Khi triển khai thực tế, bạn có thể lập file Excel để liệt kê các hạng mục công việc trong từng giai đoạn, và theo dõi tiến độ, cũng như ghi chú thích cần thiết cho từng hạng mục.

1. Chuẩn bị cho quy trình SEO

Khởi động, bạn làm việc với khách hàng về những bước để đi đến hợp tác, như đã nói ở trên. Hai bên thống nhất về giá cả dịch vụ, tương ứng với phạm vi công việc phải triển khai. Trong đó có những điểm mấu chốt như:

Nghiên cứu nhu cầu của khách hàng: mục đích thuê dịch vụ SEO của họ là gì? Chủ yếu để tăng lượng truy cập website và bán thêm hàng hóa dịch vụ? Hay là để tăng cường nhận diện thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên online…
Xác định phạm vi dịch vụ tối ưu hóa sẽ triển khai là SEO từ khóa hay SEO tổng thể. Nếu chỉ làm với một số lượng từ khóa nhất định, chẳng hạn 20, 30, hay 50 từ, thì cơ bản bạn cần phải xác định rõ danh sách những từ đó để đưa vào báo giá và hợp đồng để 2 bên thống nhất. Điều này cần hết sức rõ ràng, vì độ khó của các từ khóa sẽ liên quan trực tiếp đến công sức và thời gian thực hiện, và kéo theo là giá thành của dịch vụ. Bạn có thể tham khảo thêm trong bước tiếp theo về xây dựng bộ từ khóa.
Phân tích hiện trạng về công ty khách hàng, đối thủ cạnh tranh của họ, lĩnh vực hoạt động, sản phẩm dịch vụ trên thị trường… Bạn cần nhìn nhận để hiểu được bức tranh tổng quát về công ty khách hàng và môi trường mà nó đang hoạt động. Từ đó mới có được những bước đi thích hợp tiếp theo. Cần lưu ý, công ty khách hàng càng có nhiều năm, có thương hiệu và uy tín trên thị trường, thì việc triển khai SEO càng được thuận lợi.
Khảo sát website của khách hàng để biết thực trạng như thế nào, có thể sơ bộ hoặc chi tiết (bước này được gọi là SEO Audit). Đồng thời bạn cũng nên xem xét sơ bộ trang web của một số đối thủ trực tiếp, để có cái nhìn bao quát về tương quan trên môi trường internet. Về cơ bản, một website mới xây dựng, sẽ yếu thế hơn so với web đối thủ đã có nhiều năm và đang thứ hạng tốt.
Lập kế hoạch SEO (công việc, nhân sự, ngân sách…): Chắc hẳn bạn cũng đã phác thảo phần nào những nội dung này khi thảo luận và thống nhất báo giá rồi. Thông thường, báo giá SEO cho khách hàng sẽ tương ứng với gói dịch vụ SEO và những đầu việc tương đối cụ thể mà công ty bạn sẽ triển khai. Chẳng hạn: gói dịch vụ SEO từ khóa thì sẽ chỉ tập trung vào một nhóm từ khóa đã thống nhất, còn SEO tổng thể thì cần triển khai toàn bộ những nghiệp vụ liên quan để làm tổng lực cho toàn website. Công đoạn chuẩn bị này khá quan trọng, nên tôi sẽ có bài viết riêng và chi tiết hơn về Lập kế hoạch SEO.
2. Xây dựng bộ từ khóa, sắp xếp khung nội dung

Việc làm tối ưu là phải bám theo khung nội dung phù hợp, chứ không phải làm hú họa lung tung. Nội dung đó cần được nghiên cứu xây dựng dựa vào những từ khóa liên quan đến chủ đề chung của website, mà thường là lĩnh vực mà khách hàng đang cung cấp sản phẩm dịch vụ.

Ví dụ, công ty làm thương mại về văn phòng phẩm, thì nội dung trang web sẽ xây dựng trên chủ đề chính là văn phòng phẩm.

Xác định nội dung chính, và dùng các kỹ thuật phân tích từ khóa, để tìm tất cả các cụm từ liên quan đến chủ đề chính này. Một số bước chính khi phân tích như sau:

Dùng công cụ phân tích từ khóa: Google Keyword Planner, Keywordtool.io, Ubersuggest…
Gõ nhóm từ khóa cần phân tích, rồi Enter để xem kết quả.
Nghiên cứu các chỉ số tương ứng với mỗi từ khóa: lượng tìm kiếm trong tháng, mức độ cạnh tranh…
Thực hiện lại thao tác này với nhiều từ khóa, sau đó tổng hợp & lọc những từ phù hợp để xây dựng thành Bảng tổng hợp bộ từ khóa cần làm SEO.

>> Tìm hiểu thêm Cách nghiên cứu từ khóa sao cho Đúng – Độc – Đắt

Khi xong bộ từ khóa này, bạn cần sắp xếp thành các chủ đề liên quan, thành các cấp độ cho phù hợp. Cấu trúc nội dung thường có 3-4 cấp, không nên nhiều hơn:

Cấp 1: từ khóa trung tâm của website, trong ví dụ trên sẽ là “Văn phòng phẩm”
Cấp 2: từ khóa có nghĩa tổng quát liên quan đến nhóm sản phẩm chính, chẳng hạn như: Giấy in, Bút, File tài liệu… 
Cấp 3: từ khóa chi tiết, có thể là các bài viết blog, hoặc các sản phẩm cụ thể: giấy A4 Plus, bút bi Thiên Long…

Hãy lọc và sắp xếp sẵn bộ từ khóa và cấu trúc 3 hoặc 4 cấp, bạn sẽ có 1 bản thiết kế ban đầu khá ổn. Bạn hãy chuyển cho khách hàng xem xét, sau đó 2 bên cần thống nhất những từ khóa sẽ triển khai SEO, trước khi sang bước tiếp theo.

Thực ra việc nghiên cứu từ khóa một cách toàn diện như trên sẽ phát huy ưu thế khi bạn làm SEO tổng thể, và cần một bộ từ khóa đầy đủ cho trang web. Với gói dịch vụ nhỏ, số lượng từ khóa ít (ví dụ 5-10 từ), bạn không nhất thiết phải tốn nhiều công sức như vậy. Khi đó chỉ cần nghiên cứu sơ bộ bằng Google Keyword Tool, là đã tìm được ngay những cụm từ cần tối ưu hóa. Thường thì chúng sẽ gồm tên của sản phẩm dịch vụ mà khách hàng đang cung cấp.

3. Thao tác website: thiết kế mới, hoặc tối ưu hóa trang hiện tại

Nếu khách hàng chưa có website, thì công ty bạn nên cung cấp dịch vụ này. Xây dựng mới luôn từ đầu để đảm bảo tính chủ động và tối ưu. Đây là một bước công việc thiên về kỹ thuật lập trình và đồ họa, nên tôi không nêu chi tiết ở đây. Nếu quan tâm, bạn có thể tìm đọc loạt bài viết về chủ đề Thiết kế website.

Trường hợp khách hàng đã có sẵn trang web rồi, thì việc của bạn là khảo sát và đề xuất chỉnh sửa để tối ưu hóa. Nếu trang web đó quá tệ về cấu trúc và công nghệ, việc sửa code quá khó khăn và mất nhiều công sức, bạn nên giải thích rõ để khách hàng hiểu. Rất có thể họ đồng ý xây dựng mới lại trang này để làm SEO cho dễ.

Việc tối ưu website có thể cần phải can thiệp ít nhiều và mã code của web. Hãy đảm bảo bạn có nhân sự đủ năng lực để thực hiện việc này. Đồng thời kiểm tra thực hiện việc SEO trên phạm vi toàn website, gọi là SEO OnSite (On-Page).

Kiểm tra tính tối ưu của website gồm:

Tên miền – Domain: Tên miền có phù hợp không? Nếu không thì tư vấn cho khách hàng xem xét phương án chọn tên miền khác có lợi hơn cho SEO. Đọc thêm hướng dẫn cách chọn tên miền.
Sơ đồ trang – Sitemap: đã có file sitemap.xml hay chưa? Nếu chưa thì cần tạo mới để giúp công cụ tìm kiếm dò tìm nội dung nhanh và toàn diện hơn (xem Hướng dẫn tạo Sitemap).
Các thẻ Meta, Heading: Kiểm tra các thẻ này đã được lập trình đúng chưa, có tối ưu không.
File robots.txt: nếu chưa thì cần tạo và bổ sung vào thư mục gốc của website.
Chuẩn W3C: Có lỗi không (validator.w3.org), nếu có thì khắc phục; kiểm tra lỗi CSS, loại bỏ các file hoặc các dòng CSS thừa, trùng lặp, hoặc xung đột (tối ưu CSS)
Chuyển hướng 301 giữa www và non-www để tránh bị lỗi lặp nội dung
Tốc độ truy cập: nhanh hay chậm. Nếu chậm quá thì cần tìm lý do và khắc phục. Việc này thường liên quan đến code. Kiểm tra bằng công cụ của Google.
Cấu trúc web: đã phù hợp với nội dung tổng thể trong Bộ từ khóa xây dựng ở bước trên hay chưa?
4. Cài đặt các công cụ SEO tracking

Các công cụ (tool) này cho phép bạn biết các chỉ số hoạt động của trang web, từ đó có biện pháp cải thiện hiệu quả. Cụ thể, bạn cần cài đặt các tool như:

SEOquake: công cụ phổ biến và miễn phí giúp tối ưu hóa trên trang (SEO Onpage). Có thể cài công cụ này trên trình duyệt Firefox hoặc Chrome. 
Alexa: biết được xếp hạng qua chỉ số Alexa Rank, số lượng backlink, tốc độ tải trang…
Google Analytics, Google Search Console (Webmaster Tool trước đây): cho biết rất nhiều chỉ số quan trọng: lượng truy cập, số phiên, thời gian bình quân mỗi phiên, tỉ lệ bỏ trang…

Trong bước này, bạn cũng cần khai báo website với các công cụ tìm kiếm chính. Việc này chỉ cần làm 1 lần cho mỗi website, nhằm khẳng định với Google hay Bing rằng website của bạn đã có mặt trên internet.

Bạn có thể kiểm tra xem website đã được index chưa bằng cách Nhập vào ô tìm kiếm từ khóa theo cú pháp: “site:domain”, chẳng hạn “site:carly.com.vn” rồi nhấn Enter. Nếu kết quả hiện ra là danh sách các bài viết, dịch vụ, sản phẩm và các thông tin liên quan đến website của bạn nghĩa là website đã được index. Ngược lại nếu không ra kết quả, website cần được cấu hình lại.

5. Phân tích website của đối thủ cạnh tranh

Tìm kiếm xác định website của đối thủ cạnh tranh, xem xét những nội dung chính như:

Cấu trúc website của đối thủ xem web của họ được tối ưu ưu đến đâu.
Backlink: số lượng, các backlink đó từ những domain nào
Số lượng backlink trỏ đến Page lên top, số lượng backlink trỏ đến toàn bộ tên miền.
Các chỉ số Alexa rank, index, internal link, tuổi thọ tên miền…

Từ các chỉ số đó trên web đối thủ, bạn có thể hình dung được mình sẽ phải “chiến đấu” với ai, và mức độ khó khăn thế nào. Nếu ít đối thủ lớn và web của họ chưa làm SEO tốt, thì công việc của bạn sẽ dễ dàng hơn, và ngược lại.

Dùng trang www.woorank.com, phân tích web của đối thủ cũng dựa trên các yếu tố SEO OnPage và OffPage. Đồng thời, cũng cần xác định rõ điểm mạnh yếu của đối thủ để bổ sung, sửa đổi website của mình cho tối ưu. Điều này cũng gần giống như phân tích SWOT trong marketing nói chung. 

Việc phân tích web của đối thủ trong bước này còn đem lại cho bạn 1 số lợi ích khác:

Tham khảo và bổ sung những từ khóa hay vào Bảng từ khóa đã lập
Học hỏi kiến thức chuyên ngành, để làm nội dung trong bước kế tiếp
Nắm được rõ hơn về xu hướng sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực bạn đang làm SEO…
6. Triển khai SEO onpage + viết nội dung, đặt link nội bộ

Giờ là lúc làm các thao tác tối ưu các chi tiết trên các trang con (gọi là Onpage). Đây là bước cần tập trung nhiều nhất trong quy trình SEO. Các công việc thực hiện trong nội bộ website, để phân biệt với việc tối ưu Offpage (ngoài website) trong bước sau.

Có thể bạn cần lượt qua lại việc tối ưu toàn website (SEO Onsite) mà tôi nêu ở trên: tên miền, URL, robots.txt, sitemap.xml, tốc độ truy cập… để tiếp tục việc tối ưu cho từng trang con ở bước này.

Về cơ bản trong bước này, bạn sẽ phải kiểm tra một danh sách các tiêu chí cần thiết như:

Social Network: Tạo tài khoản trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Google+, Youtube, LinkedIn… Lưu ý cần khách hàng duyệt tên trước khi đăng ký.
Các thẻ Title, Meta Description, Keyword: độ dài hợp lý và chứa từ khóa
Mật độ từ khóa: nên dưới 5% 
Các thẻ Heading: trong bài viết, tiêu đề bài viết là H1, các tiêu đề phụ sẽ lần lượt là H2, H3…
Mobile Friendly: Thiết kế trang có thân thiện với di động chưa
HTML/CSS: phần code đã hợp lý và tối ưu chưa
Internal link (liên kết nội bộ): cần có sự liên quan đến ngữ cảnh sử dụng, và tạo sự thu hút để người đọc kích vào.
External link: đường liên kết đến các website khác thế nào? Có đảm bảo link chất lượng không, có đặt thuộc tính “nofollow” chưa
Hình ảnh: bài viết nên có ít nhất 1 ảnh, có thuộc tính alt, chú thích ảnh,  và link ảnh (nếu cần).
Trang 404: đã có trang tối ưu để báo lỗi “404 Page Not Found” chưa?

>> Tìm hiểu chi tiết về SEO OnPage tại đây

Sau khi khảo sát đánh giá, cần lập báo cáo hiện trạng và giải pháp gửi khách hàng. Trong đó nêu rõ theo từng tiêu chí: lỗi đang gặp phải, cách khắc phục, bạn hay khách hàng khắc phục. Có thể đưa cả dự kiến thời hạn hoàn thành từng mục công việc để khách hàng cùng biết và phối hợp thực hiện công việc thuộc phạm vi của họ.

7. Triển khai SEO offpage: xây dựng backlink

Đây là những công việc thực hiện bên ngoài nhưng có tác dụng với website của khách hàng bạn đang làm SEO. Chủ yếu có 3 nội dung:

Xây dựng backlink
Tham gia trên mạng xã hội, diễn đàn
Social media bookmaking

Các công việc cần triển khai:

Tạo đường link phù hợp từ các site vệ tinh (PBN)
Đăng ký URL trên các danh bạ (directory)
Tương tác trên các mạng xã hội
Đăng bài trên các diễn đàn có nội dung liên quan
Hỏi đáp về nội dung liên quan đến sản phẩm dịch vụ trên web như Yahoo, Quora
Chia sẻ video lên Youtube, Vimeo
Chia sẻ hình ảnh lên Pinterest, Flickr, Instagram…
Chia sẻ tài liệu lên Slideshare

>> Tìm hiểu thêm về SEO OnPage

Tôi liệt kê cũng hơi nhiều, và triển khai sẽ mất nhiều thời gian, nhất là những việc viết bài hay tương tác mạng xã hội. Tùy theo ngân sách của dự án SEO, cũng như quy mô và lĩnh vực của website mà bạn triển khai những phần việc phù hợp. Mục đích chính của bước này là tạo backlink chất lượng và tăng sự hiện diện của website trên các kênh mạng xã hội, diễn đàn.

8. Quản trị website hiệu quả: tối ưu tỷ lệ chuyển đổi

Thực ra trong suốt quá trình làm, bạn cần duy trì việc quản trị website cho hiệu quả (hoặc có thể thuê dịch vụ quản trị web chuyên nghiệp), và đảm bảo các bước công việc được thực hiện theo kế hoạch đã lập ra theo ngày, tuần, tháng. Chẳng hạn:

Công việc theo ngày: cần có tần suất công việc hàng ngày cụ thể cho nhân sự thực hiện:

Viết bao nhiêu bài/ngày
Làm bao nhiêu link/ngày
Tăng traffic/ngày

Công việc theo tuần:

Check Webmaster Tool và Analytics để có tham số xem tình trạng tăng trưởng của website, kiểm tra xem web có đang gặp vấn đề gì không?
Check backlink để xem liệu có bị bắn link bẩn không hay link có bị chết không?
Check Analytics để xem sự biến động của traffic trên site.

Công việc theo tháng: Mỗi tháng cần đúc kết ra được:

Đã tác động những gì đến website và kết quả như thế nào?
Từ đó điều chỉnh những gì cho tháng sau?
Kiểm tra sức khỏe website
9. Theo dõi báo cáo, phân tích, đánh giá tổng kết

Việc xem báo cáo, phân tích tình hình, tiến bộ đạt được sẽ tiến hành thường xuyên, cùng với việc quản trị web như đã nêu trên. Việc đo lường để đánh giá, chủ yếu là thông qua các chỉ số chính:

Thứ hạng (ranking) của nhóm từ khóa bạn làm SEO
Lượng truy cập (traffic) đến website và các trang con
Tỷ lệ chuyển đổi (conversion) trên các công đoạn

Việc xem xét những yếu tố này giúp bạn và khách hàng đánh giá hiệu quả công việc đang triển khai. Từ đó có thể đưa ra những biện pháp cần thiết để cải thiện hiệu quả. Đồng thời, bạn sẽ có cái nhìn tương đối đầy đủ về chiến lược SEO mà mình đang cung cấp cho khách hàng.

Trên đây là toàn bộ Quy trình SEO tổng thể mà bạn có thể áp dụng. Dù bài viết hơi dài, nhưng thực sự thì đây là xương sống cho toàn bộ dịch vụ mà SEOer sẽ triển khai cho khách hàng. Hy vọng bạn tìm thấy thông tin hữu ích.

Nếu thấy hay thì nhớ Like & Share nhé.

Đánh giá post