Làm thế nào để SEO Offpage hiệu quả?

SEO OffPage là gì trong online marketing? Cách thực hiện như thế nào? Có gì khác biệt so với tối ưu hóa On-Page?

Đó là những vấn đề khá quan trọng và rất phổ biến, mà những người làm tối ưu website (SEOer) thường quan tâm và thực hiện. Khái niệm này bao hàm những công việc khác nhau mà tôi sẽ thảo luận chi tiết trong bài viết này.

Trước hết là mô tả…

SEO OffPage là gì?

Thuật ngữ tiếng Anh này có 2 từ. SEO là viết tắt của từ Search Engine Optimization có nghĩa là tối ưu hóa website với các công cụ tìm kiếm. Đó là những công việc mà bạn phải làm để trang web trở lên thân thiện hơn với cả máy và người.

Trong khi đó, từ OffPage được hiểu là bên ngoài trang, thể hiện phạm vi công việc cần thực hiện nằm bên ngoài website. Có thể hiểu từ này rõ hơn khi so sánh với từ On-page nghĩa là trên chính trang web đó.

Kết hợp 2 từ lại ta sẽ có khái niệm cụ thể:

SEO OffPage là những công việc mà bạn cần làm bên ngoài phạm vi của website, với mục đích tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng mục tiêu cũng như của con bọ (bot) từ các công cụ tìm kiếm. Điều này thường giúp tăng dần thứ hạng tìm kiếm, lượng truy cập đến website, tỷ lệ chuyển đổi, và xa hơn là cải thiện hình ảnh thương hiệu.

Nhiều người cũng dùng thay thế bằng từ “Off-page SEO” hay “SEO Off-site”.

Bạn có thể thắc mắc: liệu có thể cải thiện được thứ hạng của website nếu không can thiệp vào trang web đó?

Câu trả lời là có.

Tôi lấy một vài ví dụ:

Bạn trao đổi backlink với website khác có chủ đề liên quan đến bài viết.
Trên những diễn đàn hay group uy tín trong lĩnh vực chuyên ngành, bạn có những bài viết, bài bình luận thú vị và dẫn người đọc tìm hiểu thêm trong bài viết gốc ở website của bạn.
Trang Facebook Fanpage của bạn có Status hấp dẫn và được điều hướng về trang sản phẩm, dịch vụ mà bạn đang chào bán trên website.
Khách hàng hiện tại hài lòng và họ nhận xét tích cực về sản phẩm dịch vụ của bạn với người khác, thậm chí còn bình luận tốt và giới thiệu thêm khách hàng cho bạn.

Đó là một vài trường hợp tiêu biểu mà những công việc thực hiện ở nơi khác, nhưng lại có tác dụng tích cực, và có lợi cho website của bạn. Lý do là vì người dùng sẽ theo đường link và truy cập vào website của bạn. Google cũng theo đó mà đánh giá cao hơn trang web mà bạn đang làm SEO. Đó chính là SEO Off-page.

Thực sự thì SEO OffPage có tác dụng dần dần, nhưng lại rất hữu ích với việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Những gì làm ngoài trang web, do tác nhân bên ngoài đưa ra thì thường sẽ tự nhiên, và đáng tin cậy hơn những điều tự bạn nói về bản thân mình hay doanh nghiệp của mình. Và đó chính là 1 phần then chốt trong xây dựng thương hiệu.

Vậy còn On-Page thì sao? Phân biệt như thế nào…?

Phân biệt SEO Off-Page và SEO On-Page

Cả 2 đều là những giải pháp tối ưu hóa, khác nhau ở chỗ thực hiện trong hay ngoài trang.

Những kỹ thuật SEO On-page được thực hiện trên bản thân trang web, ví dụ: tối ưu các thẻ Title, Description, Headlines, Image… Mục đích là để người dùng xem nội dung và công cụ tìm kiếm thu thập thông tin được nhanh chóng, đầy đủ, thuận lợi nhất.

>> Đọc thêm về SEO On-page

Còn SEO Off-page là để những giải pháp để cho những công việc bạn đã thực hiện On-page phát huy đúng hiệu quả, thương hiệu mà bạn đang xây dựng qua website phát huy đúng thế mạnh.

Tôi muốn minh họa thế này để phân biệt 2 khái niệm.

Một căn biệt thự đã qua sử dụng: người chủ muốn chỉnh trang lại cho sạch đẹp bằng các công việc như sơn, sửa, bổ sung nội thất… để tăng giá trị sử dụng. Những công việc này tương tự như On-page: được thực hiện tại công trình.

Nhưng ngoài bản thân tình trạng thực của ngôi nhà, thì nhận thức và những lời nhận xét của những người trong khu vực đó cũng có vai trò quan trọng trong việc cảm nhận giá trị của nó. Nếu họ nói tốt nói hay về ngôi biệt thự, nhiều khách khứa bạn bè sẽ sẵn lòng ghé thăm. Nhưng nếu có những lời đồn xấu, chẳng hạn nhà đó không có lộc, hay thậm chí có… ma, thì chắc chắn sẽ ít người muốn đến (mặc dù chẳng mấy ai quan tâm kiểm chứng đúng sai). Và người chủ muốn cải chính lại những thông tin xấu, đưa những thông tin tốt bằng cách như: tổ chức tiệc sự kiện, nhờ khách đã đến thăm kể lại cảm nhận hay… thì sẽ dần lấy lại hình ảnh tích cực. Và những hoạt động đó chính là SEO Offpage, thực hiện ngoài “công trình”.

Nói như vậy có thể thấy, cả SEO trong và ngoài đều có vai trò quan trọng. SEO OnPage để củng cố giá trị thực của site, còn SEO OffPage để giúp khách hiểu được đúng (nếu được hơn thì càng tốt) giá trị thực của site đó.

Vậy thôi!

Còn về trình tự thực hiện, thì theo quan điểm và kinh nghiệm mà tôi đã làm, nên tập trung vào On-Page trước. SEO Off-Page làm sau một chút cũng không sao.

Và nên bố trí thời gian đều đặn, không gấp gáp, vì kết quả Off-Page đạt được sẽ dần dần. Nếu làm cấp tập, giả sử 1 lượng backlink lớn trong 1 thời gian ngắn có khi phản tác dụng. Vì khi đó Google có thể cho rằng bạn đang gian lận (cheating).

Các kỹ thuật làm SEO OffPage

Có 1 số thủ thuật phổ biến như sau.

1. Xây dựng backlink chất lượng

Trong lĩnh vực online marketing, thì nội dung là quan trọng nhất và link là quan trọng thứ hai. Chắc bạn đã nghe cụm từ “Content is King, link is Queen” rồi chứ?

Xây dựng backlink là trung tâm của SEO OffPage. Tại sao backlink lại quan trọng trong SEO như vậy?

Bởi đó chính là một trong những yếu tố cho thấy rằng người ngoài (trang web khác) xác nhận về nội dung trang web của bạn. Ngoài sự thừa nhận, có thể còn là sự giới thiệu.

Lấy ví dụ: website thương mại của bạn có đường link từ trang web của Bộ Công thương, đặt trong bài viết về các sản phẩm Việt Nam tiêu biểu. Như vậy có phải là 1 sự xác nhận rất tốt không? Và Google nhận biết điều này, xếp hạng web của bạn cao lên. Người dùng cũng qua link truy cập đến web của bạn nhiều hơn. Vậy là nhất cử lưỡng tiện.

Chính vì sự tối quan trọng như vậy, nên nhiều người hiểu nhầm SEO OffPage là xây dựng backlink. Nhưng không phải như vậy. Backlink là trung tâm, nhưng chưa phải là tất cả SEO OffPage, vì còn có những yếu tố khác nữa (tôi chi tiết phía dưới).

Nhân đây, cũng phải khẳng định lại rằng backlink chỉ quan trọng nếu đủ chất lượng, và không được có thuộc tính rel=“nofollow”. Nghĩa là có nhiều link không chất lượng, thậm chí còn phản tác dụng. Ví dụ: nếu web công ty bạn có đường link từ 1 trang web bạo lực hay khiêu dâm, thì chắc chắn sẽ bị Google & người dùng đánh tụt hạng.

Theo quan điểm đó, thì bạn cần xây dựng hệ thống backlink nhiều về số lượng và đa dạng về nguồn dẫn tới (từ các web chuyên ngành, blog, diễn đàn, web cơ quan hữu quan…). Có thể áp dụng các cách như sau:

Tạo các bài viết hay, nội dung độc đáo, để thu hút người đọc và hướng họ đặt link tới bài viết. Cách này tự nhiên nhưng khó và mất thời gian nhất, vì bạn phải sáng tạo nội dung.
Trao đổi text link với các web khác có chủ đề liên quan. Điều này giúp 2 bên đều có lợi.
Đăng ký vào các danh bạ (Directory), thậm chí có thể mất phí để được duyệt.
Viết bài và đăng vào các website chuyên ngành, có đặt đường backlink trở lại web của bạn.
Xây dựng hệ thống site vệ tinh để tạo link hoặc chia sẻ bài viết hay từ trang chính
Mua backlink từ những nguồn đảm bảo…

>> Tìm hiểu các cách xây dựng backlink tại đây

2. Tăng cường marketing trên mạng xã hội (Social Media)

Xây dựng các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter… có liên quan đến lĩnh vực của bạn. Tích cực hoạt động và cung cấp các status hay, từ đó thu hút nhiều người thích (like) và theo dõi (follow).

Đây là cách gián tiếp điều hướng traffic đến website của bạn. Và cũng là cách hay để “kích rank” cho web. Nguyên tắc là lượng người truy cập nhiều, từ nguồn đa dạng, sẽ giúp Google nhận biết rõ hơn về chủ đề cũng như chất lượng nội dung của website. Điều đó nghĩa là bạn đang làm tốt việc SEO Offpage rồi đấy.

3. Social Bookmarking

Tạm dịch cụm từ này là “đánh dấu mạng xã hội”. Đây là cách thức bạn chia sẻ (đánh dấu) lại các trang web lên mạng xã hội. Chức năng này có trong hầu hết các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, Stumbleupon, Delicious, Pinterest, v.v…

Việc bookmark trang web có nhiều tác dụng:

Đối với người dùng thông thường không có mục đích kinh doanh, thì việc bookmark này chỉ nhằm đánh dấu lại nội dung trang web mà họ thấy thích, cũng là để chia sẻ nội dung hay lên mạng xã hội để cho những người khác có thể thấy.
Nhưng với những người kinh doanh thì ngoài những lợi ích trên, Social Bookmarking có thể giúp tăng lượt truy cập cho website. Google dùng thuật toán dựa vào đặc điểm và hành vi của việc bookmarking trên trang web, để đặt chỉ mục (index) và xếp hạng từ khóa.

Tác dụng thứ 2 mà tôi vừa nêu ở trên chính là cách mà Social Bookmarking giúp bạn làm SEO OffPage: giúp trang được index nhanh hơn và có thứ hạng tốt hơn. Lưu ý khi đánh dấu cần làm một cách tự nhiên nhất có thể. Chẳng hạn: bạn đánh dấu nhiều trang web khác nhau mà bạn thấy nội dung hay, rồi xen kẽ đánh dấu 1 page trên website của bạn. Không nên chỉ tập trung đánh dấu chỉ 1 website mà bạn đang làm SEO.

Cách bookmarking này trước đây rất hiệu quả, nhưng gần đây cũng dần ít được sử dụng hơn. Như ở Việt Nam, thì việc áp dụng bookmark không phổ biến lắm. Tuy vậy, tôi vẫn thảo luận ở đây để đảm bảo sự toàn diện trong các thủ thuật làm Off-page SEO.

4. Local SEO

Làm SEO OffPage thực ra là dựa vào hành vi của con người: cụ thể là việc người ta thường chỉ hay dẫn chiếu và chia sẻ những nội dung gì họ thích. Như vậy thì, việc 1 doanh nghiệp có sản phẩm tốt mà được những lời giới thiệu truyền miệng từ khách hàng hiện tại thì cũng có ý nghĩa như SEO OffPage.

Tôi đang nói tới thuật ngữ làm SEO tại địa phương (tiếng Anh là Local SEO). Thủ thuật này có vai trò quan trọng hơn, nếu công việc kinh doanh của bạn tập trung nhiều tại 1 khu vực địa phương nào đó. Ở đó, việc SEO Off-page chính là ở yếu tố SEO thông qua con người. Marketing truyền miệng kéo khách hàng đến với bạn. Ngoài ra, những khách hàng hài lòng có thể sẽ để lại đánh giá trên các trang mạng, hoặc trên Google My Business. Theo đó, cả Google và khách hàng tiềm năng có thể cảm nhận được về sản phẩm dịch vụ của bạn.

>> Tìm hiểu thêm về khái niệm và cách làm Local SEO

5. Quảng cáo online

Mặc dù đây không hẳn là thủ thuật SEO, nhưng cũng có tác dụng gián tiếp tương tự, nên tôi xếp vào cuối cùng ở đây.

Khi bạn trả tiền quảng cáo, chẳng hạn cho Google. Người dùng xem và nhấp vào quảng cáo, để vào website của bạn, thì cũng vô hình chung giúp tăng lượng truy cập. Điều đó cũng có tác dụng tích cực cho website giống như SEO vậy.

Trên đây là 5 cách phổ biến bạn có thể làm Off-page SEO. Tôi xin giới thiệu tóm lược thêm 8 chiến lược SEO OffPage rất hay mà tác giả Ronell Smith đăng trên trang moz.com, có biên soạn và chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Tham khảo 8 chiến lược SEO Off-page hiệu quả

Những chiến lược này bao gồm cả việc tạo và cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt; đăng bài trên các trang blog phổ biến có liên quan; xây dựng mối quan hệ với những nhân vật có ảnh hưởng lớn; đạt được những lời nhận xét tích cực cũng như hạn chế và phản ứng khéo léo lại những nhận xét tiêu cực; giám sát những lời bình luận về thương hiệu của bạn…

Các chiến lược này mang tính tổng thể, và được xếp thành 3 nhóm chính:

Thương hiệu: chất lượng sản phẩm dịch vụ, chăm sóc khách hàng, tập trung vào mong muốn của người dùng
Độc giả: hiện diện trên mạng xã hội, thảo luận trên diễn đàn & blog, xây dựng quan hệ với người có ảnh hưởng, ngừng việc đăng blog chỉ để tạo backlink
Nội dung: thử nghiệm với các thể loại nội dung

Và dưới đây là chi tiết từng mục. Có thể bạn thấy không ứng dụng hết trong trường hợp cụ thể của mình. Nhưng cứ nên tham khảo, vì có thể sẽ dùng trong tương lai.

#1. Chất lượng sản phẩm dịch vụ

Chẳng SEO bao nhiêu cho đủ với những sản phẩm dịch vụ tồi tệ.

Khi sản phẩm dịch vụ bạn cung cấp thuộc diện “tốt nhất” trong lĩnh vực của bạn, việc làm SEO nói chung và SEO Off-page sẽ dễ hơn rất nhiều.

Đó là bởi vì cả trong thế giới trực tuyến (online) và ngoài thực (offline), mọi người thường hay nói những điều tốt đẹp về những sản phẩm hay thương hiệu có chất lượng. Điều đó đem lại cho bạn lượng truy cập, những lời đánh giá tích cực ở những site của người khác (tính khách quan cao), và dẫn đến tăng doanh số bán hàng.

Tất nhiên là nói thì dễ hơn làm.

Và đây là cách hay để có thể bắt đầu làm, tùy vào sản phẩm dịch vụ cụ thể của bạn:

Với sản phẩm đang tồn tại: Bán hàng theo những đặc điểm mà khách hàng cảm nhận được lợi ích nhiều nhất dựa trên những yêu cầu hay phàn nàn của họ trên mạng về những sản phẩm đang cạnh tranh. Ví dụ: bán rượu nhập khẩu còn nguyên bao bì xách tay (cửa hàng miễn thuế ở nước ngoài), vì khách mua rượu Tây rất ngại hàng không rõ nguồn gốc.
Với sản phẩm mới ra mắt: Tập trung vào lợi ích cốt yếu nhất mà sản phẩm mới của bạn đem lại cho khách hàng mục tiêu. Khi đó, bạn hạn chế được sự phản đối từ phía khách hàng, và các đặc điểm tốt của sản phẩm sẽ tự nói lên lợi ích của chúng.
#2. Chăm sóc khách hàng

Không ai phủ định rằng dịch vụ khách hàng kém sẽ ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của công ty, và đương nhiên làm suy giảm những cố gắng của việc làm SEO-Offline.

Bạn hẳn còn nhớ vụ bê bối của hãng hàng không United Airlines, khi hãng này để nhân viên an ninh kéo lê thô bạo hành khách gốc Việt xuống máy bay vào năm 2017. Ngoài thiệt hại bồi thường khá lớn, hãng sẽ còn phải chịu tiếng xấu nhiều năm sau nữa về do vụ xì căng đan này đem lại.

Không khó để hình dung rằng dịch vụ khách hàng yếu kém, có thể chỉ là hành vi cẩu thả, sẽ đem lại hiệu ứng tiêu cực cho danh tiếng, kể cả với những thương hiệu đẳng cấp quốc tế.

Vì vậy, quan tâm và đầu tư chăm sóc khách hàng cũng chính là chiến lược SEO OffPage hiệu quả.

#3. Tập trung vào mong muốn của người dùng

Ở đây, ngoài việc nghiên cứu từ khóa cho phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của người dùng, bạn còn cần tập trung hơn vào việc hiểu rõ hơn về mong muốn của họ khi tìm từ khóa đó.
Việc này có thể được thực hiện Offline, chẳng hạn như: trao đổi với khách hàng, hỏi thăm về nhu cầu và vấn đề họ gặp phải, nghiên cứu tâm lý khách hàng… Có lẽ đây cũng là những công việc nằm ngoài phạm vi website, nên có thể xem là SEO Off-page.

Còn việc triển khai nội dung vào bài viết với những từ khóa nhất định thì thuộc phạm vi của SEO On-page nên tôi không nói thêm ở đây nữa.

#4. Hiện diện và tương tác trên mạng xã hội

Xu hướng thực tế là người ta tìm kiếm trên Google cho những câu hỏi cần trả lời, chẳng hạn như: “ca sĩ Mỹ Tâm sinh năm nào”; hay cho nhu cầu cần được đáp ứng, ví dụ: “du lịch Sapa mùa nào đẹp”.

Nhưng sau khi có câu trả lời, họ lại muốn lên mạng xã hội để tìm hiểu thêm, đặt câu hỏi, tương tác với bạn bè, thành viên trong gia đình, và những người quen biết… về chủ đề đó.

Và đó là ý tôi đang muốn nói tới:

Mạng xã hội là một yếu tố quan trọng trong chiến lược SEO Off-page của bạn

Nhưng hiểu điều đó cũng dễ hơn là triển khai thực hiện, vì bạn cần đảm bảo những yếu tố như:

Hiện diện ở đó: nếu bạn có tài khoản mạng xã hội, cần có ai đó giám sát thường xuyên để kịp thời trả lời câu hỏi và hồi đáp lại các lời bình luận.
Cách hành xử của con người thật: trên môi trường trực tuyến, người ta mong chờ được tương tác thực sự với một con người thật, chứ không phải những lời trả lời tự động máy móc, hay chỉ là những lời quảng bá thương hiệu.
Chủ động: một trong những điều hay nhất bạn có thể làm giúp cho thương hiệu của bạn là dùng mạng xã hội để tạo thành 1 nguồn tài nguyên cho cộng đồng trực tuyến trong lĩnh vực của bạn. Nếu có ai đó hỏi về sản phẩm dịch vụ mà bạn không cung cấp, hoặc chỉ có đối thủ đang chào hàng, thì cũng đừng ngại tham gia vào cuộc thảo luận hay không đưa ra những lời tán dương nếu thấy xứng đáng.
#5. Thảo luận trên diễn đàn & blog

Gần đây việc bình luận trên các diễn đàn và blog dần ít phổ biến do bị spam nhiều quá. Các SEOer hay dùng cách này để tạo backlink, nên rất dễ bị các chủ trang blog ngăn chặn bằng cách để thuộc tính “nofollow”.

Mặc dù vậy, bạn vẫn nên tận dụng hình thức này, mục đích chính không phải để tạo backlink mà là để tạo uy tín và sự ảnh hưởng. Hãy tìm những trang blog có chất lượng trong lĩnh vực của mình, và đều đặn đóng góp bằng bài viết hoặc bình luận có ý nghĩa và hữu ích với độc giả. Như vậy bạn sẽ được nhiều người chú ý, gồm cả độc giả, blogger, người biên tập, webmaster… của những trang đó.

Kết quả là bạn sẽ có nhiều người theo dõi, và nhiều trong số đó có thể quan tâm tìm hiểu về bạn, và sản phẩm dịch vụ mà bạn đang cung cấp. Họ còn vào website mà bạn giới thiệu trong profile, và tương tác ở đó. Những điều đó chính là mục đích của Offpage SEO.

#6. Tạo dựng kết nối với người có ảnh hưởng online / trên mạng xã hội

Trong lĩnh vực SEO Off-page, một trong những lợi ích lớn nhất của mạng xã hội là khả năng thiết lập và nuôi dưỡng quan hệ với những người có tầm ảnh hưởng trên môi trường trực tuyến. Những người đó thường có thương hiệu cá nhân, có rất nhiều Fan và người theo dõi, và có kết nối với những website có thứ hạng cao. Họ cũng kết nối với nhiều người có ảnh hưởng giống như họ.

Cách làm hiệu quả là làm quen kết bạn với họ, tại các sự kiện hoặc trên các group chat, để nick của bạn nằm trong vòng quan tâm của họ. Trong tương lai, khi bạn đăng bài viết hoặc chia sẻ nội dung nào đó, nhiều khả năng họ sẽ nhận ra và share nội dung của bạn.

Sau đó, trong trường hợp tốt hơn sau khi bạn có mối quan hệ đủ gần, bạn có thể kết hợp với họ trong việc tạo nội dung – cho web của họ, của bạn, hoặc đăng trên tạp chí trực tuyến. Xây dựng và lan tỏa thương hiệu giúp ích cho việc SEO OffPage mà bạn đang theo đuổi.

#7. Ngừng việc đăng bài trên blog khác chỉ để tạo backlink

Thay vì việc viết bài, bình luận, nhận xét trên các trang blog của người khác với mục đích chỉ để tạo backlink, bạn nên dùng những kỹ thuật đó để tạo thiện cảm trên môi trường trực tuyến, có thể là với các chủ blog, hay người biên soạn, những người có tầm ảnh hưởng, hoặc đơn giản là với độc giả của các trang blog đó.

Nếu thực hiện đúng cách, bạn sẽ có được backlink một cách khá tự nhiên. Hãy đọc, bình luận trên những trang blog, kết nối với những tác giả hàng đầu trong lĩnh vực của bạn. Khi đã tạo được mối liên hệ, sự thiện cảm, và có thể là tạo được danh tiếng trong việc tạo nội dung, chính là đã làm được những việc quan trọng trong Off-page SEO.

#8. Thử nghiệm với các loại nội dung

Nội dung trên môi trường trực tuyến không chỉ là văn bản (text). Hình ảnh và video có giá trị không kém, thậm chí còn có nhiều ưu thế hơn.

Dưới đây là một số cách ít tốn chi phí hay công sức để sử dụng hình ảnh và video:

Đăng những đoạn video hướng dẫn làm một việc gì đó lên Youtube
Chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc hay những đúc kết của mình về những sự kiện gần đây trên Facebook Live
Đăng ảnh lên album trên Imgur, Flickr, hay những trang chia sẻ hình ảnh
Đăng lên Tweet những điều thú vị trong ngày mà bạn thấy

Đây là một số cách rất hay để tối đa hóa lợi ích hình ảnh và video, và có tác dụng rất tốt trong việc làm SEO.

Với 8 chiến lược SEO OffPage này, bạn có thể tùy vào điều kiện cụ thể để áp dụng trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Mục đích chính là tăng cường cho SEO On-page và vẫn hướng tới đối tượng khách hàng tiềm năng.

Trên đây, tôi đã thảo luận khá chi tiết về khái niệm SEO Offpage, các kỹ thuật thực hiện phổ biến hiện nay, và phân biệt với SEO On-page. Xin nhắc lại rằng việc tối ưu theo cách này mất thời gian, nhưng kết quả đạt được sẽ rất giá trị cho việc làm marketing online của bạn. Chúc bạn thành công!

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích vui lòng để lại lời nhận xét và Like nhé!

Đánh giá post