Làm thế nào lập kế hoạch SEO tốt nhất

Trong 1 bài viết trước đây về quy trình SEO, tôi đã liệt kê chi tiết các bước công việc cần thực hiện cho một dự án tối ưu hóa website. Nhưng nếu muốn biết các mốc thời gian cần thực hiện cho từng công việc, thì chúng ta cần lập kế hoạch SEO chi tiết.

Việc kết hợp 2 tài liệu này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng thể, cả theo các hạng mục công việc, và thời hạn thực hiện cũng như kiểm tra kết quả các bước công việc đó.

Trong phần dưới đây, tôi sẽ thảo luận về việc lập kế hoạch thực hiện chiến lược tối ưu hóa website.

Tại sao cần lập kế hoạch SEO chi tiết?

Cũng như khi phải thực hiện một công việc nào đó có nhiều bước, kéo dài trong thời gian nhiều tháng, khi bắt tay làm tối ưu hóa SEO cho website, bạn cần có 1 kế hoạch trong tay.

Tại sao lại cần kế hoạch?

Bởi vì nó rất hữu ích giúp bạn thực hiện, kiểm soát, điều chỉnh để hoàn tất công việc (SEO). Cụ thể, kế hoạch SEO sẽ đem lại nhiều lợi ích:

Xác định được mục tiêu chính, và một số mục tiêu phụ (trung gian) giúp đạt được mục tiêu chính. Thông thường, mục tiêu SEO đơn giản là đưa một số lượng nhất định các từ khóa lên Top Google. Tất nhiên, trong một số trường hợp chủ website có thể đặt ra mục tiêu khác, chẳng hạn như tiếp cận khách hàng tiềm năng, quảng bá thương hiệu.
Khái quát được những công việc phải làm, nhất là khi có nhiều bước công việc, mà trong mỗi bước lại có những việc cụ thể, thực hiện nhiều lần vào những thời điểm khác nhau. Tôi đã liệt kê rất chi tiết các bước trong quy trình SEO.
Phân bổ thời gian hợp lý cho từng bước công việc, đồng thời xác định những thời điểm cần đạt được những mục tiêu chính và phụ. Từ đó có biện pháp điều chỉnh, nếu cần thiết.
Xác định và phân bổ các nguồn lực cần thiết khác như: ngân sách, nhân lực… để đảm bảo có thể thực hiện được các nghiệp vụ cần thiết, đúng hạn, nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Bài viết này phục vụ nhiều hơn nếu bạn cung cấp dịch vụ SEO cho khách hàng, hoặc bạn muốn triển khai đội ngũ để tự làm SEO cho website của công ty mình.

Trường hợp bạn chỉ làm cá nhân 1 mình cho website nhỏ, thì vẫn có thể tham khảo và chọn lựa áp dụng cho phù hợp với nhu cầu của mình. Như vậy vẫn đảm bảo hiệu quả nhưng vẫn linh hoạt, chủ động.

Đặt mục tiêu SEO

Việc lập kế hoạch không thể bỏ qua đặt mục tiêu và khoảng thời gian cụ thể. Với dự án bạn nhận làm dịch vụ cho khách hàng thì rõ ràng, phải có những con số cần đạt được. Khi đó bạn mới được ghi nhận hoàn thành công việc, và hưởng phí dịch vụ đã thỏa thuận với khách hàng.

Với mỗi trường hợp thì mục tiêu sẽ khác nhau. Ở đây, tôi giả sử những mục tiêu cụ thể cho 1 website, sau 1 khoảng thời gian (ví dụ 6 tháng) cần đạt được mục tiêu sau:

Đưa 10 từ khóa đã được lựa chọn lên trang nhất kết quả tìm kiếm của Google (gọi là trang SERP).
Trong đó có 4 từ khóa đạt Top 5

Ngoài ra còn có những mục tiêu phụ, bổ trợ cho 2 mục tiêu chính nêu trên, chẳng hạn:

Tăng lượng truy cập website lên 500 người/ngày
Tăng số trang Pageview lên 750 trang/ngày
Có 1-2 khách hàng tiềm năng liên hệ mỗi ngày qua website (contact form, phone, email, Live chat…)
Tăng số lượng backlink lên 40 (có chất lượng)
Giảm tỷ lệ thoát trang (bounce rate) xuống 75%.

Với mỗi dự án cụ thể, bạn sẽ cần điều chỉnh các mục tiêu cho phù hợp với thực tế.

Mục tiêu là như vậy, nhưng cũng cần xác định xem mốc thời gian dự kiến là khi nào, chứ không phải là vô hạn định. Khi đó chúng ta quan tâm đến yếu tố tiếp theo…

Nên lập kế hoạch SEO cho thời gian bao lâu?

Tùy theo trường hợp cụ thể, thời gian thực hiện việc tối ưu hóa website có thể kéo dài hay ngắn. Và do vậy, việc lập kế hoạch cũng nên bao quát khoảng thời gian đó.

Tuy nhiên, kết quả SEO không thể diễn ra nhanh chóng, và bạn chỉ có thể tác động chứ không thể chắc chắn được thời gian từ khóa lên Top. Do vậy, bạn cần dự trù thời gian đủ dài, thường là vài tháng cho bản kế hoạch hành động của mình.

Theo kinh nghiệm tôi thấy như sau:

Với website nhỏ, mới đăng ký tên miền, thì thời gian cần làm SEO kéo dài tối thiểu 5-6 tháng mới có hiệu quả.
Với website trung bình, đã có tuổi vài năm, giờ được thiết kế lại và tối ưu hóa, thì thời gian có thể khoảng 4 tháng, là một số từ khóa có độ khó vừa phải đã bắt đầu lọt vào trang đầu Google.
Với website bị cạnh tranh cao (nhiều website lớn hoạt động trong cùng lĩnh vực như du lịch, bất động sản), thì cần xác định từ khóa ngách đủ tiềm năng, và thời gian và quy mô làm đủ dài, chẳng hạn 1 năm hoặc lâu hơn, thì mới có cơ hội cạnh tranh lên Top.

Tùy vào trường hợp cụ thể, sau khi khảo sát và phân tích thì mới xác định được khoảng thời gian cần thiết cho việc làm SEO. Nếu muốn được tư vấn cụ thể hơn, bạn vui lòng Liên hệ với chúng tôi nhé.

Dưới đây, tôi lấy ví dụ cho việc lập kế hoạch SEO cho 1 website có sẵn. Bạn có thể tùy biến đi cho phù hợp với bối cảnh thực tế của mình.

Lập kế hoạch SEO website – ví dụ cho 6 tháng

Đây là các bước công việc cho kế hoạch SEO trong 6 tháng, với giả định làm số lượng từ khóa vài chục từ, hoặc SEO tổng thể toàn website. Như vậy, bạn có thể triển khai tổng lực đầy đủ các nghiệp vụ, mà không cần phải ngần ngại vì phải “giữ” để thuyết phục khách hàng dùng gói dịch vụ SEO từ khóa tiếp theo.

Và đây là những việc đã làm trước khi bước vào kế hoạch SEO này:

Website đã chạy hoàn chỉnh (có thể chưa tối ưu)
Đã phân tích và lựa chọn xong bộ từ khóa cần SEO, bao gồm các từ đồng nghĩa và các từ khóa LSI

Tôi sẽ nêu các công việc cần làm trong từng tháng. Kết thúc các tháng, cần xem xét các chỉ số để phân tích đánh giá kết quả, từ đó có điều chỉnh phù hợp.

Tháng thứ nhất:

Trong tháng này, việc quan trọng nhất là rà soát chỉnh sửa và tối ưu các yếu tố kỹ thuật trên website hiện có (với web cũ thì còn vất vả hơn).

Hãy dành ra khoảng 1 tuần đầu tiên để kiểm tra (audit) website. Sau đó, rà soát và lập ra bảng SEO checklist trong đó có những yếu tố cần sửa (tham khảo bản in Checklist SEO tại đây). Đề nghị với bên viết website chỉnh sửa lại mã nguồn cho tối ưu, nếu cần.

Giai đoạn này, vất vả nhất là phối hợp để sửa code nếu trang hiện tại không do công ty bạn thiết kế. Thường thì, bạn sẽ phải giải thích để khách hàng (chủ website) hiểu, sau đó truyền đạt lại và đề nghị công ty thiết kế website trước đây sửa. Có thể sẽ phát sinh một khoản phí nhất định cho việc tối ưu code như vậy.

Nếu công ty bạn cung cấp cả dịch vụ thiết kế website, thì có thể tư vấn khách hàng viết lại từ đầu cho dễ làm SEO. Trường hợp khác, thì đành sửa code để tối ưu hóa.

Và trong tháng đầu tiên, đây là những việc bạn cần làm sau khi sửa code như tôi đã nói phía trên:

Tối ưu một số yếu tố Onpage quan trọng trên các trang đã có sẵn, nhất là những page liên quan đến từ khóa dự định SEO. Các mục cần làm ngay gồm: Nội dung thẻ Title, Meta Description. Hầu hết là các yếu tố On-Page. Những mục công việc này quan trọng với SEO, lại có thể làm ngay, mà không mất nhiều thời gian. Vì vậy, cần bắt tay vào làm càng sớm càng tốt.
Chỉnh sửa và tối ưu hóa cấu trúc, nội dung các trang bài viết, các trang sản phẩm cụ thể. Bao gồm cả chỉnh sửa các thẻ Heading H1, H2, H3…, nội dung thuộc tính Alt của ảnh.
Bổ sung 2 file cần thiết sitemap.xml và robots.txt (nếu chưa có). Đây là những tiêu chí quan trọng khi làm SEO On-Page.
Chèn thêm mã Google Analytics và đăng ký Google Search Console.
Xác định các trang đích (landing page) cho mỗi từ khóa cần SEO. Có thể là các trang bài viết, trang dịch vụ, hay trang sản phẩm…
Lên kế hoạch viết content cho các từ khóa đang cần SEO, trong đó xác định content của các trang đích. Cần lập kế hoạch cụ thể mấy ngày viết 1 bài, đăng bài và chia sẻ trên mạng xã hội như thế nào, tần suất ra sao…
Theo dõi các chỉ số SEO (vd: Alexa ranking, thứ hạng từ khóa trên Google, số lượng truy cập, số lượng và chất lượng các backlink…), phân tích đánh giá và điều chỉnh cách làm nếu cần.
Tháng thứ 2 và 3

Với những việc đã làm trong tháng đầu mang tính làm nền móng, sang tháng thứ 2 và thứ 3, bạn tiếp tục duy trì viết bài chất lượng để đăng web, kết hợp với chia sẻ trên các mạng xã hội. Có thể thay đổi “liều lượng” cho phù hợp với kết quả ban đầu.

Với website mới xây dựng, thì thời điểm này Google có thể đã lập chỉ mục (index) và bắt đầu xếp hạng một số từ khóa. Tất nhiên ban đầu thứ hạng từ khóa thường chưa cao, và bạn chưa tìm thấy trong trang SERP đầu thì cũng là điều bình thường.

Trong giai đoạn này, cần lưu ý về các thẻ heading, cách sử dụng và phân bổ từ khóa chính và từ khóa dạng LSI, cách bố trí và tối ưu ảnh minh họa nhằm tăng sự thu hút. Và đừng quên đặt đường link nội bộ đến những trang khác có liên quan.

Cũng từ tháng thứ 2, bạn thực hiện thêm một số công việc sau:

Áp dụng dữ liệu có cấu trúc với các trang quan trọng và trang cần SEO. Đồng thời bổ sung URL Canonical cho các trang đó. Nếu bạn thiết kế website, thì việc này có thể bổ sung mã để tự động làm hàng loạt cho các trang. Còn nếu không can thiệp vào mã nguồn được, thì bạn đành phải tự chèn code cho từng trang vậy (khá tỉ mỉ và mất thời gian).
Tăng tỉ lệ Text/HTML với những trang ít nội dung bằng chữ (dạng text), chẳng hạn như trang danh mục sản phẩm. Một số trang danh mục này chỉ có ảnh chụp và tiêu đề các sản phẩm thuộc chuyên mục, và có rất ít nội dung dạng văn bản. Trường hợp này, bạn nên bổ sung thêm để tăng tỉ lệ Text/HTML, người dùng có thêm nội dung hữu ích, và Google cũng sẽ đánh giá cao hơn.
Xây dựng backlink chất lượng, bắt đầu với những link trên các danh bạ, rao vặt, diễn đàn có uy tín. Việc này làm đều đặn, và từ từ, không nên giật cục. Việc bổ sung càng tự nhiên thì càng đỡ bị các Search Engine “nghi ngờ”.
Tháng thứ 4 & 5:

Cần tiếp tục sáng tạo nội dung, chẳng hạn như viết thêm bài có chiều sâu và độ dài lớn (2000-3000 từ) cho những từ khóa quan trọng. Đồng thời theo dõi và phát triển link: tăng cường tìm kiếm trao đổi link với những site uy tín, có chỉ số DA và PA tốt.

Ngoài ra, bạn có thể chủ động tham gia vào các diễn đàn chuyên ngành, hay các trang web đánh giá (review) để tăng cường truy cập (traffic) quay trở lại website của bạn.

Trong khoảng thời gian này bạn cần tập trung làm quyết liệt hơn, nhất là với những từ khóa chưa được lập chỉ mục, hoặc có thứ hạng quá thấp. Nên để ý kết hợp các trang landing page cho từ khóa liên quan đến sản phẩm: làm tối ưu cả trang sản phẩm kết hợp với trang bài viết tham khảo. Như vậy sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến từ khóa mục tiêu, và vì thế Google sẽ đánh giá cao hơn, xếp hạng tốt hơn.

Tháng thứ 6:

Đến tháng này, Google đã có dữ liệu khá nhiều về nội dung mà bạn đã thực hiện trong 5 tháng trước. Website đã được hưởng những thành quả mà bạn đã bỏ công sức và thời gian để tối ưu hóa.

Nếu bạn thực hiện tốt, thì đã đưa được một số từ khóa lên Top như kế hoạch. Một số từ khác có thể đã đạt vị trí 10-20, nghĩa là Google đang đánh giá để xem có thể lên thứ hạng cao hơn hay không. Khi đó, hãy tiếp tục viết thêm nội dung liên quan, và xây dựng backlink trỏ vào các trang tương ứng, để đẩy thứ hạng lên.

Website cũng đã có lượng truy cập tăng lên đáng kể, nhất là những trang có từ khóa quan trọng được lên Top Google. Một số truy cập có thể đã chuyển đổi thành liên hệ từ khách hàng, và rất có thể đã tạo ra khách hàng mới.

Từ thời điểm này, có lẽ bạn chỉ cần tập trung vào việc tiếp tục đóng góp nội dung có chất lượng, và chuẩn SEO. Những yếu tố khác cơ bản đã được tối ưu hóa.

Kết thúc kế hoạch SEO 6 tháng, bạn sẽ đánh giá và lập báo cáo SEO nếu cần. Hy vọng sẽ có kết quả tốt.

Trên đây là nội dung về việc lập kế hoạch SEO website ví dụ trong vòng 6 tháng. Nếu bạn muốn thuê đơn vị dịch vụ SEO chuyên nghiệp, hoặc thiết kế lại website mới, hay chạy quảng cáo Google Facebook, thì vui lòng gọi điện hoặc liên hệ với tôi. Công ty tôi có đội ngũ tư vấn nhiệt tình để phục vụ bạn.

Gọi ngay số Hotline để được tư vấn: 094 456 1874

Đánh giá post