Làm gì khi bị google cảnh báo Thao tác thủ công (Manual Action)

Thao tác thủ công là tình trạng thường gặp phải ở các website có làm SEO. Khi các website SEO không đúng cách, thực hiện SEO mũ đen sẽ là đối tượng dễ dính thao tác thủ công nhất từ Google. Hậu quả có thể khiến website bị tụt traffic, rớt thứ hạng từ khóa không phanh và thậm chí là mất index luôn cả domain.

Vậy làm sao để tránh bị tác vụ thủ công? Cùng LPTech tìm hiểu tường tận về Thao tác thủ công là gì, nguyên nhân cũng như cách xử lý khi website bị tác vụ thủ công ngay dưới đây nhé!

1. Thao tác thủ công (Manual Action) là gì?

Thao tác thủ công (hay còn gọi là Manual Action) là một hình thức phạt “nguội” mà Google dành cho các website “không tuân thủ nguyên tắc về chất lượng dành cho quản trị viên web” do Google đề ra. Nó cũng được xem như một lời cảnh báo về những hành vi nhằm thao túng thứ hạng trong kết quả tìm kiếm trên Google.

Thông thường, thao tác thủ công sẽ chỉ nhắm đến một hoặc vài trang trên tổng thể trang web. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp, toàn bộ website đều bị dính thao tác thủ công.

2. Thao tác thủ công ảnh hưởng đến những trang nào?

Thao tác thủ công được xem như một án phạt mà Google dành cho website, đương nhiên sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến website đó. Đó có thể là một trang, một số trang hoặc ảnh hưởng đến tất cả các trang.

Để biết trang nào bị ảnh hưởng, bạn hãy xem trong bảng mô tả Thao tác thủ công trên báo cáo Search Console để xác định chính xác.

3. Cách kiểm tra thao tác thủ công trong Search Console

Kiểm tra website có bị đánh thao tác thủ công hay không bằng cách xem trong thông báo của Google Search Console, theo các bước sau:

Vào Google Search console → Bảo mật và thao tác thủ công → thao tác thủ công.

Nếu website của bạn bị tác vụ thủ công, sẽ có thông báo ĐỎ ở phần “tác vụ thủ công”. Còn nếu hiện dấu tích XANH LÁ nghĩa là không bị thao tác thủ công.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, bạn không cần phải liên tục truy cập vào đường dẫn trên để kiểm tra xem website có bị tác vụ thủ công hay không vào mỗi ngày. Nếu website của bạn thực sự bị thì sẽ nhận ngay thông báo qua email (dùng để xác minh Google Search Console – GSC), và khi bạn truy cập vào trang GSC cũng thấy nguyên dòng thông báo “đỏ tươi” trên đầu. :))

4. Các loại Thao tác thủ công

Phần lớn tất cả mọi người đều dính tác vụ thủ công do spam và thao túng backlink. Thế nhưng, nó chưa phải là tất cả những vấn đề mà bạn có thể gặp phải. Google sẵn sàng gửi đến bạn thông báo về tác vụ thủ công trên web khi:

4.1. Trang web của bạn bị tấn công do bảo mật kém

Không phải mọi loại tấn công đều khiến website bị sập hay không thể vận hành được. Có những cuộc tấn công ngầm nhằm vào dữ liệu website, gửi mã độc hoặc tự động tải về khi người dùng truy cập web, hoặc tấn công dưới dạng che dấu nội dung, khiến website hiển thị nội dung đến người dùng KHÁC với nội dung được thu thập từ Google.

4.2. Trang web của bạn dính spam

Google sẽ đánh giá một website là spam trong các trường hợp sau:

4.2.1. Spam content – nội dung trên web

Nội dung trên website trùng lặp (nội dung copy), vô nghĩa (spin content), quá ngắn (thiếu hữu ích), nhồi nhét từ khóa (lạm dụng) hoặc cung cấp không đúng thông tin như tiêu đề bài viết, chứa nội dung hoặc các liên kết đánh lừa người dùng truy cập vào, đặt ra vấn đề thu hút người dùng nhưng không giải đáp, hay các trang ngõ (các trang có nội dung khác nhau, nhưng điều hướng người dùng đến CÙNG một trang khác, nhằm thao túng từ khóa), … đều có nguy cơ dính án phạt.

4.2.2. Spam backlink – thao túng các liên kết bên ngoài trỏ về trang

Đối với các website làm SEO để gia tăng thứ hạng tìm kiếm trên Google thì backlink là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy từ khóa.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng backlink thông qua các hình thức như: mua link, đặt textlink (ở slidebar, banner, ở mọi bài viết), gắn link Footer ở nhiều trang web, đặt link ở những trang có nội dung không liên quan, … hay đơn giản là việc đi link khiến Google phát hiện các liên kết trỏ đến website là giả tạo, không tự nhiên nhằm thao túng thuật toán tìm kiếm đều có thể dính tác vụ thủ công.

4.2.3. Spam hosting – máy lưu trữ miễn phí hoặc dùng chung

Các website dùng chung hosting hoặc hosting miễn phí thường có thể bị đánh spam chung với những trang web có dấu hiệu spam mà Google nhận thấy trên máy chủ lưu trữ. Mặc dù Google nói rằng họ sẽ cố gắng xử lý riêng từng trang, nhưng nếu nhận thấy dấu hiệu spam từ rất nhiều trang trên cùng 1 máy chủ thì có thể sẽ tiến hành xử lý chung tất cả các trang còn lại.

4.2.4. Spam schema – sử dụng dữ liệu cấu trúc vi phạm nguyên tắc của Google

Google luôn khuyến khích các website thiết lập dữ liệu cấu trúc đầy đủ về Breadcrumb, Product (sản phẩm), FAQ (hỏi và trả lời), Đánh giá (Rating Star), Even (sự kiện), Table (bảng), Person (thường đối tượng là tác giả), Recipes (công thức), Article (bài viết), … để Google có thể dễ dàng thu thập dữ liệu, hiểu về website của bạn hơn và tối ưu hiển thị đến người dùng.

Khi một trang web nhận dữ liệu cấu trúc sẽ tăng sự nổi bật, hoặc chiếm nhiều không gian hiển thị hơn so với những trang web khác trên các kết quả tìm kiếm. Do đó, một vài trang web lạm dụng điều này để spam tất cả các loại dữ liệu cấu trúc trên toàn bộ trang của mình dẫn đến án phạt từ Google.

Một số hình thức spam dữ liệu cấu trúc như:

★ Viết dữ liệu cấu trúc cho Googlebot đọc nhưng lại không hiển thị đến người dùng.

★ Tạo dữ liệu cấu trúc giả như đánh giá sao nhưng trên trang lại không có phần đánh giá thực tế.

★ Tạo đánh dấu nội dung không liên quan đến bài viết hoặc gây nhầm lẫn cho người dùng.

4.3. Trang web của bạn có các liên kết bất thường

Bên cạnh spam các liên kết bên ngoài trỏ đến trang như đã nói ở trên thì Google còn xét cả các liên kết từ chính trang web của bạn trỏ ra bên ngoài. Nếu website của bạn có dấu hiệu “bán” liên kết thì vẫn có khả năng dính án phạt tác vụ thủ công như thường.

4.4. Trang web của bạn “không trung thực”

“Không trung thực” ở đây có thể hiểu là website của bạn cố tình che dấu các nội dung như hình ảnh, liên kết, văn bản, … nào đó không cho người dùng thấy nhưng lại hiển thị cho các công cụ tìm kiếm. Hoặc thực hiện các hành động lén lút, cố tình qua mặt Googlebot. Cụ thể:

4.4.1. Thao tác che dấu văn bản, hình ảnh, liên kết

Trên website có các phần nội dung không được hiển thị đến người dùng như những gì họ mong đợi và khác với dữ liệu được thu thập từ Google khi trả về kết quả tìm kiếm.

Các nội dung bị ẩn hoặc hình ảnh bị mờ không cung cấp được giá trị hiện hữu cho người dùng. Do đó, đây được xem là hành động cố tình qua mặt Googlebot, việc dính tác vụ là điều đương nhiên.

4.4.2. Thao tác chuyển hướng lén lút

Là hành động khiến người dùng bị chuyển hướng trên trang web chuẩn (hay trên thiết bị di động) đến một trang web KHÁC với trang mà Google nhìn thấy thì được cho là lén lút.

4.4.3. Nội dung trên AMP không khớp với trang web chuẩn

Google không bắt buộc nội dung trên AMP phải giống hoàn toàn với nội dung của trang web tiêu chuẩn (trang chính tắc). Tuy nhiên, về cơ bản thì nội dung vẫn phải có sự tương đồng với nhau về chủ đề. Và người dùng có thể thực hiện cùng một thao tác / hành động trên cả trang web chuẩn lẫn trang AMP.

4.5. Vi phạm các chính sách về cung cấp nội dung của Google tin tức và Google khám phá

Dù website của bạn không có liên kết để hiển thị trên Google tin tức hay khám phá thì các chính sách về nội dung của chúng vẫn được áp dụng lên website của bạn. Cụ thể:

★ Nội dung khiêu dâm, người lớn, quấy rối

★ Nội dung bạo lực, đẫm máu, gây nguy hiểm (cho con người và động vật)

★ Nội dung gây kích động thù địch, phân biệt chủng tộc, giới tính

★ Nội dung phản khoa học, y tế – những điều đã được chứng minh và công nhận

★ Nội dung có tính xúc phạm, khiếm nhã và thô tục

★ Nội dung truyền thông bị bóp méo, gây hiểu lầm

★ Nội dung khủng bố

★ Nội dung làm mới giả tạo (cung cấp thời gian đăng mới nhưng không có sự thay đổi nhiều về mặt nội dung)

★ Nội dung thiếu tính minh bạch (thiếu thông tin về tác giả, tác phẩm, bản quyền, thời gian đăng, … )

5. Các bước xử lý tác vụ thủ công

Bước 1. Mở rộng bảng mô tả Thao tác thủ công trên báo cáo để xem nói về vấn đề gì. Thông thường, các thông báo về tác vụ thủ công từ Google sẽ chỉ rõ lỗi mà website của bạn gặp phải là gì, và mức độ lỗi xuất hiện trên website của bạn.

Bước 2. Xem những trang nào bị ảnh hưởng. Đó có thể là: một số trang (nói chung chung), hoặc các trang có 1 điểm chung nào đó (chung 1 nhóm đường dẫn chẳng hạn), hoặc lỗi “Ảnh hưởng đến tất cả các trang”.

Thông thường, mọi người sẽ gặp thông báo lỗi “ảnh hưởng đến một số trang” và Google sẽ không chỉ rõ cho bạn biết cụ thể những trang nào trên web đang bị ảnh hưởng. Lúc này, bạn cần phải xem xét các trang có trên web, ưu tiên xem xét các trang thường SEO, quan trọng nhất của website. Cách để tìm trang bị dính lỗi và xử lý là:

Kiểm tra thứ hạng từ khóa của các trang đang SEO (có đột ngột bị giảm hay không)
Kiểm tra index của trang (mất index)

Bước 3. Sau khi xác định được trang bị lỗi, bạn cần truy cập lại Google Search Console, xem lại thông báo tác vụ thủ công. Tại đây, bạn sẽ thấy chữ “Tìm hiểu thêm”, nhấn vào đấy để xem hướng dẫn chi tiết về cách khắc phục từ Google.

Bước 4. Khắc phục vấn đề trên tất cả các trang bị ảnh hưởng. Việc khắc phục vấn đề trên một số trang sẽ không giúp các trang này xuất hiện lại trong kết quả tìm kiếm. Nếu có nhiều Thao tác thủ công trên trang web của bạn, hãy đọc kỹ và khắc phục tất cả các biện pháp đó.

Bước 5. Đảm bảo rằng Google có thể truy cập các trang của bạn. Các trang bị ảnh hưởng không được yêu cầu đăng nhập, có tường phí (thường là một cửa sổ bật lên để yêu cầu người dùng phải trả phí để được đọc tiếp) hay bị tệp robots.txt hoặc lệnh noindex chặn. Bạn có thể kiểm tra khả năng truy cập bằng Công cụ kiểm tra URL.

Bước 6. Sau khi khắc phục xong tất cả các vấn đề liệt kê trong báo cáo cho tất cả các trang, hãy chọn “Yêu cầu xem xét lại” trong thông báo “thao tác thủ công”.

Lưu ý: để giúp yêu cầu của bạn nhanh thành công, hãy ghi rõ ràng trong phần “giải thích chi tiết” về những nỗ lực khắc phục vấn đề của quản trị viên web và cũng giúp nhân viên Google xem xét dễ dàng hơn.

Giải thích chính xác vấn đề chất lượng trên trang web của bạn.
Mô tả cách bạn đã thực hiện để khắc phục vấn đề đó.
Ghi lại kết quả các nỗ lực của bạn.

Bạn có thể viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh đều được. Hoặc bạn có thể sử dụng Google dịch để dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh rồi gửi cho Google đọc vẫn ok nha!

Bước 7. Quá trình xem xét lại có thể mất một chút thời gian. Bạn sẽ được thông báo về tiến độ qua email. Sau khi gửi yêu cầu, bạn sẽ nhận được thông báo xác nhận để bạn biết rằng Google đang tiến hành xem xét lại.

6. Cách khắc phục thao tác thủ công theo từng nguyên nhân

Sau đây là cách khắc phục 1 vài lỗi thao tác thủ công phổ biến mà nhiều website thường gặp phải.

6.1. Tác vụ thủ công do thao túng backlink

Chắc chắn đây là lỗi mà nhiều người làm SEO thường mắc phải trong quá trình tối ưu website. Nhất là vào đợt update tháng 11/2021, hàng loạt website tại Việt Nam đều nhận được thông báo lỗi như nhau (xem hình).

Để xử lý vấn đề này, trước tiên bạn cần xác định các trang bị mắc lỗi. Sau đó tiến hành xuất các liên kết (trong khoảng 1 – 2 tháng gần đây) được Google ghi nhận trong GSC.

Xem xét và đánh giá lại các liên kết này, nếu thấy nghi ngờ thì bạn có thể tiến hành gỡ link từ các liên kết đó hoặc chuyển từ “dofollow” sang “nofollow”. Và nếu các liên kết không gỡ được thì thực hiện từ chối liên kết trong “Disavow”. Sau khi thực hiện xong việc gỡ các liên kết thì bạn chờ khoảng 1 – 2 ngày rồi viết báo cáo gửi lại cho Google thông qua nút “Yêu cầu xem xét lại” trong phần “thao tác thủ công”.

Thời gian để Google phản hồi và thực hiện xem xét lại cho bạn mất khoảng từ 1 – 2 tuần hoặc có thể lâu hơn. Nếu thành công, bạn sẽ nhận được phản hồi email từ Google và mục thao tác thủ công sẽ trở về trạng thái bình thường có dấu tích xanh.

6.2. Tác vụ thủ công do nội dung spam

Đây là vấn đề thường gặp thứ 2 trong con đường làm SEO của phần đông mọi người. Phát triển nội dung trên nền tảng kỹ thuật số thì việc bị đạo văn, ăn cắp chất xám, hình ảnh, … là chuyện không tránh khỏi. Khi một website sử dụng lại nội dung đã index từ trang web khác thường xuyên, spam nội dung với việc nhồi nhét từ khóa, sử dụng nội dung vô nghĩa, được tạo tự động hoặc các bình luận trên trang có dấu hiệu spam đều có nguy cơ nhận được thông báo tác vụ thủ công từ Google.

Để xử lý vấn đề này, bạn cần ưu tiên xem xét lại các bình luận trên trang (nếu có). Thực hiện xóa bình luận có tính spam trước, sau đó xem xét lại nội dung tổng thể trên website của mình.

6.2.1. Nội dung trùng lặp, vụn vặt, vô nghĩa

Nếu bạn biết rõ website của mình chuyên đi “xào” nội dung, copy, hoặc nội dung vô nghĩa thì cách xử lý khá “đơn giản” là viết mới lại toàn bộ nội dung sao cho chất lượng, unique. Đối với các bài có nội dung copy 100% hoặc quá ngắn thì có thể tiến hành xóa bỏ luôn và không cần mất thời gian để viết lại.

Còn đối với chủ website không rõ trang mình có đạo văn không thì phải thực hiện check trùng lặp nội dung tổng thể, nhất là các bài viết quan trọng trên trang. Cách kiểm tra lại như sau:

1. Tại thanh tìm kiếm Google, bạn gõ cặp dấu ngoặc kép và copy đúng tiêu đề bài viết bỏ vào giữa (“tiêu đề bài viết”), sau đó thực hiện tìm kiếm nó trên Google. Nếu thấy kết quả trả về là website khác với tiêu đề TƯƠNG TỰ thì bạn có thể click vào xem nội dung bên trong, nếu giống như bài viết trên website bạn thì rất có thể nội dung bài viết đó của bạn được đạo về từ họ.

2. Nếu tiêu đề không trùng lặp thì rất có thể nội dung của bạn bị trùng lặp. Sử dụng các công cụ check trùng lặp nội dung (VD: Spin Editor, Plagiarismdetector.net, Duplichecker.com, … ) để tiến hành kiểm tra toàn bộ nội dung.

Và đương nhiên khi đã phát hiện các bài đạo văn thì bạn cần viết mới lại hoặc xóa bỏ chúng khỏi trang web của mình.

6.2.2. Nội dung nhồi nhét từ khóa

Nếu bạn tin chắc rằng nội dung của bạn là duy nhất thì có khả năng là do content của bạn có quá nhiều từ khóa. Sử dụng SEOquake để check mật độ khóa hoặc các công cụ tương tự. Thông thường, mật độ từ khóa được kiến nghị là dưới 3%. Nếu mật độ từ khóa của bạn quá cao, bạn cần thay thế chúng bằng các từ đồng nghĩa, từ cận liên quan hoặc lược bỏ bớt hay thêm nội dung mới vào để giảm mật độ từ khóa xuống.

Sau đó bạn gửi các trang bài viết của mình lên Google Search Console để Google update mới lại. Chờ khoảng 1 – 2 ngày hoặc lâu hơn thì viết báo cáo gửi lại cho Google và chờ phản hồi từ họ.

6.2.3. Nội dung ẩn, hình ảnh bị che dấu

Đối với nội dung ẩn, hình ảnh bị che dấu thì có 2 trường hợp như sau:

1. Bạn biết rõ nơi có nội dung ẩn hoặc hình ảnh bị che dấu trên website của mình

Nếu biết rõ thì bạn chỉ việc xóa bỏ nội dung đó đi hoặc cho phép chúng được hiển thị công khai với mọi người. Hoặc chuyển nội dung đó sang một website mới (có thể là site vệ tinh) nếu bạn vẫn muốn duy trì nó cho một mục đích nào đó.

Đối với hình ảnh bị che dấu thì có thể là hình ảnh trên trang của bạn bị che khuất, hoặc hình thu nhỏ không hiển thị đúng đến người dùng như khi Google đọc dữ liệu trên website của bạn. Khi đó, bạn chỉ cần chỉnh sửa lại hình ảnh cho khớp và mang đến trải nghiệm tốt về hình ảnh cho người dùng khi truy cập website của bạn là được. Và đừng quên là viết báo cáo và đề nghị yêu cầu xem xét lại với Google nhé!

2. Bạn không biết rõ nơi có nội dung ẩn trên website

Nếu không biết rõ thì bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để truy tìm chúng từ trang chủ, các trang chính trên web đến các bài viết quan trọng. Bạn truy cập vào trang cần kiểm tra, sau đó nhấn tổ hợp phím Ctrl + A để quét khối toàn bộ. Điều này sẽ giúp bạn quét được luôn cả nội dung ẩn đang có trên trang. Bạn chỉ việc quan sát từ trên xuống dưới, nếu thấy màu quét khối có sự thay đổi (khác biệt với tông màu chung) thì đó chính nơi có nội dung bị ẩn. Lúc này bạn có thể xóa hoặc cho hiển thị ra ngoài là được.

Cuối cùng, sau khi kiểm tra và xử lý xong tất cả các vấn đề có trên website, bạn viết báo cáo và gửi lại cho Google qua nút “Yêu cầu xem xét lại” ở mục “thao tác thủ công”.

7. Khi nào nên gửi yêu cầu xem xét lại?

Để thu hồi thao tác thủ công, bạn cần khắc phục những vi phạm đã bị cảnh báo, đảm bảo rằng trang web của bạn không còn vi phạm các nguyên tắc về chất lượng nữa. Sau khi bạn hoàn thành, bạn có thể gửi yêu cầu xem xét lại.

Sau khi bạn gửi yêu cầu xem xét lại, phía Google sẽ gửi thông báo qua email để bạn biết rằng họ đang xử lý yêu cầu đó. Bạn cũng sẽ nhận được email khi quá trình xem xét lại hoàn tất.

Lúc này bạn lưu ý: không gửi lại yêu cầu trước khi bạn nhận được quyết định về bất kỳ yêu cầu đang xử lý nào.

8. Yêu cầu xem xét lại bị từ chối phải làm thế nào?

Trường hợp bạn đã gửi yêu cầu xem xét lại những vẫn bị từ chối xảy ra phổ biến khi website của bạn vẫn vi phạm các nguyên tắc về chất lượng. Để giải quyết tất cả các thao tác thủ công, hãy xem xét lại trang web của bạn, chỉnh sửa các mục cần thiết và gửi yêu cầu xem xét lại khác và đương nhiên thời gian chờ phản hồi và xem xét sẽ LÂU HƠN lần đầu tiên bạn gửi.

Mặt khác, thời gian chờ này sẽ lâu theo cấp số nhân khi bạn liên tục gửi yêu cầu mà vấn đề vẫn chưa khắc phục hết. Do đó, bạn đừng quá vội vàng gửi xem xét ở lần vi phạm đầu tiên khi chưa quét hết các lỗi nhé!

9. Quá trình xem xét lại sẽ mất bao lâu?

Tùy theo lỗi gặp phải mà thời gian xem xét lại có thể nhanh từ vài ngày đến lâu hơn vài tuần. Ví dụ như yêu cầu xem xét lại liên quan đến link liên kết, thời gian xem xét yêu cầu có thể lâu hơn bình thường. Ngoài ra, số lượng yêu cầu xem xét lại quá nhiều ở một số thời điểm, cũng ảnh hưởng đến thời gian Google xét duyệt lại lâu hơn.

10. Một số yếu tố có dấu hiệu khác khiến website bị dính thao tác thủ công

Ngày nay, việc lạm dụng backlink vào trong SEO không còn là yếu tố quyết định chính đến thứ hạng website mà nội dung chất lượng mới chính là điều mà thuật toán Google quan tâm nhất. Tuy nhiên, nếu SEO theo hướng 0 backlink thì cũng khó lòng cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành, nhất là những ngành có độ cạnh tranh cao. Và một trong những cách đi backlink phổ biến nhất mà SEO-er hay sử dụng là đi Entity Social. Việc ép index hàng loạt các Entity Social có thể khiến website nhanh chóng bị dính tác vụ thủ công, do có dấu hiệu Footprint rõ ràng.

Bên cạnh đó, việc mua link báo cũng cần xem xét domain, nên tìm nhà cung cấp có uy tín. Một số nơi cung cấp các đầu báo GIẢ (không phải các trang báo thật) với domain kém chất lượng, đã nằm trong “danh sách đen” của Google, khi các website khác liên kết vào có thể dính ngay án phạt về tác vụ thủ công.

Cuối cùng, chúng tôi sẽ rất vui nếu nhận được sự góp ý của bạn về mặt nội dung trong bài viết này. Mọi góp ý của bạn dưới phần bình luận sẽ góp phần truyền tải thêm những thông tin hữu ích đến với mọi người!

Đánh giá post