Nghiên cứu từ khóa là kỹ năng quan trọng mà người làm SEO buộc phải có.
Với tác vụ này, bạn có thể thu thập, sàng lọc, lựa chọn và tinh chỉnh để có được một bộ từ khóa đầy đủ, phù hợp cho chiến lược làm online marketing cũng như SEO Website. Đồng thời, bạn có thể sử dụng những tiêu chí cần thiết để đánh giá về mức độ tiềm năng và cũng như cạnh tranh của một từ khóa nào đó.
Chủ đề này khá rộng, vì thế tôi viết bài này cũng khá dài để có thể truyền tải hết nội dung. Mục đích là để đem lại cho bạn cái nhìn đầy đủ nhất về công việc quan trọng này.
Và dưới đây là những nội dung chính của bài viết.
NỘI DUNG CHÍNH
Từ khóa là gì?
Các loại từ khóa
Nghiên cứu từ khóa là làm gì?
Vậy tại sao cần nghiên cứu từ khóa?
Các bước nghiên cứu xây dựng bộ từ khóa cho website của bạn
Bước 1: Xác định chủ đề chính của website – tìm Seed keyword
Bước 2: Tìm kiếm thu thập những từ khóa liên quan
Các công cụ phân tích từ khóa cho SEO
Tra cứu trong Widipedia
Trên các diễn đàn, hội nhóm
“Do thám” trên website của đối thủ
Bước 3: Sàng lọc và tinh gọn danh sách từ khóa
Bước 4: Sắp xếp hệ thống từ khóa thành các nhóm nội dung
Nghiên cứu từng từ khóa riêng biệt
Lời kết
Trước hết, tôi muốn thảo luận nhanh về khái niệm…
Từ khóa là gì?
Từ khóa là những từ hoặc cụm từ có ý nghĩa cụ thể và mà người dùng muốn tìm hiểu thông tin về nó, thường bằng cách gõ vào công cụ tìm kiếm. Trong tiếng Anh gọi là ”keyword”.
Nói cách khác, từ khóa thường phải có ý nghĩa cụ thể về một thứ gì đó (ví dụ: điện thoại, máy tính, dụng cụ nhà bếp), một cách thức nào đó (cách sửa bếp ga tại nhà)… mà người dùng muốn tìm hiểu.
Hệ thống các từ khóa phù hợp được xem như la bàn chỉ hướng cho chiến dịch SEO của bạn, cho bạn biết cần phải làm gì, và liệu bạn có đang đạt được tiến bộ gì hay không.
Về chức năng, từ khóa đóng vai trò là tác nhân kết nối giữa 3 chủ thể chính: người tìm kiếm – công cụ tìm kiếm – và các website.
Đến đây, tôi muốn ghi chú một chút:
“Từ khóa” không nhất thiết phải là từ đơn – 1 tiếng (vd: sách, bút, xe), mà có thể là từ phức – nhiều tiếng (vd: điện thoại, ô tô cũ, trang phục thể thao).
Khái niệm “từ khóa” trong bài viết này có phạm vi trong lĩnh vực SEO hay marketing online. Nếu trong văn cảnh khác, thì có thể ý nghĩa sẽ khác đi.
Trong mỗi bài viết, nếu có thể, tôi cố gắng lấy ví dụ theo 1 chủ đề nhất định để có tính nhất quán, và bạn dễ theo dõi. Trong bài này, tôi minh họa cho từ khóa trung tâm là “golf”. Tất nhiên, tôi cũng kèm theo những từ khóa trong một số lĩnh vực khác cho đa dạng, để bạn đỡ thấy nhàm chán.
>> Tìm hiểu thêm về khái niệm Từ khóa là gì tại đây
Các loại từ khóa
Dân SEO thường hay phân loại theo độ dài. Tùy theo số lượng tiếng, chúng ta thường thấy có từ khóa ngắn, trung bình, dài. Cách phân loại này cũng tương đối, và có thể ít nhiều mang tính chủ quan. Tôi lấy ví dụ cho mỗi loại như sau:
Từ khóa ngắn (1-3 tiếng): gậy golf, quạt, du lịch, bất động sản
Từ khóa trung bình (4-5 tiếng): bộ chơi golf trong nhà, sửa máy tính laptop,
Từ khóa dài (6 tiếng trở lên): mua quần áo chơi golf ở đâu Hà Nội, luyện nói tiếng Anh với người nước ngoài
Ngoài ra, căn cứ theo mục đích và tính chất, người ta có thể dùng một số cách phân loại như sau:
Từ khóa thương hiệu (Branded Keywords): là những từ khóa liên quan đến một thương hiệu cụ thể, chẳng hạn như: “Vinhomes”, “Điện Máy Xanh”, “Trường Hải Auto, Sân Golf Tam Đảo”… Loại này phù hợp để làm SEO cho mục đích xây dựng thương hiệu của công ty bạn. Đồng thời bạn cũng có thể sử dụng để nghiên cứu về đối thủ (cùng khách hàng mục tiêu).
Từ khóa truy vấn thông tin (Info Keywords): là những từ khóa dạng tìm hiểu về một thông tin nào đó mà người dùng đang muốn tìm kiếm. Ví dụ: “kỹ thuật đánh golf nâng cao”, “cách lựa chọn trang phục golf”, “Hải Dương có những sân golf nào”? Bạn có thể cung cấp thông tin hữu ích cho người dùng theo nhóm này
Từ khóa về sản phẩm, dịch vụ (Product/Service Keywords): là những từ khóa mang tính thương mại, giao dịch mua bán, mà khách hàng dùng để tìm hiểu về sản phẩm dịch vụ nào đó, chẳng hạn: “gậy golf Ping G400”, “giầy golf nam Adidas”, “dịch vụ sân tập golf”, “caddy golf”. Những từ này có khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu rất cao (tỉ lệ chuyển đổi tốt), do đó bạn rất cần có chiến lược SEO cụ thể cho nhóm này.
Từ khóa theo vùng địa lý (Geo-targeted keywords): thường gồm khóa chính đi kèm tên địa phương. Ví dụ: “học đánh golf tại Tp. Hồ Chí Minh”, “học tiếng Anh tại Hà Nội”, “dịch vụ SEO tại Hải Phòng”. Những cụm từ loại này sẽ rất hữu ích khi bạn muốn làm SEO theo địa phương cụ thể.
Từ khóa liên quan ngữ nghĩa (LSI keyword): là tập hợp những từ khóa thường được sử dụng trong lĩnh vực liên quan đến 1 từ khóa chính, và được Google lập chỉ mục. Chẳng hạn khi nói tới chơi golf, người ta thường liên tưởng hoặc có sự ngầm hiểu tới những cụm từ như “thể thao”, “caddy”, “doanh nhân”, “thành đạt”…
Vậy…
Nghiên cứu từ khóa là làm gì?
Nghiên cứu từ khóa là việc tìm hiểu nhu cầu của đối tượng người dùng mục tiêu đang suy nghĩ hay mong muốn gì, quan tâm đến đâu, lo lắng sợ hãi điều gì…
Có thể nói việc này tương tự như nghiên cứu thị trường, nhưng trên môi trường trực tuyến.
Hàng ngày, người dùng internet cần thông tin để giải quyết cho nhu cầu của họ. Và họ thường tìm kiếm theo những từ/cụm từ cụ thể nào đó. Và là người quản trị và SEO website, bạn phải tìm ra được những cụm từ đó.
Muốn phục vụ tốt nhu cầu của đối tượng người dùng nào đó, bạn phải hiểu được họ thực sự muốn gì, thông qua những từ khóa mà họ tìm kiếm.
Việc đó chính là “nghiên cứu từ khóa”.
Vậy tại sao cần nghiên cứu từ khóa?
Đây là những lý do mà việc nghiên cứu cần thiết cho xây dựng mà tối ưu hóa website:
Nghiên cứu thì mới xác định và lựa chọn được bộ từ khóa phù hợp, từ đó định hướng được nội dung của website. Có thể xem đó như một bản thảo thiết kế cho những nỗ lực của bạn về online marketing, từ đó quyết định những bước tiếp theo mà bạn sẽ thực hiện.
Giúp bạn hiểu được khách hàng mục tiêu muốn gì. Chẳng hạn bạn bán đồ đánh golf, và tìm hiểu và biết được cụm từ “mua gậy golf cũ ở tphcm” đang có lượng tìm kiếm cao. Vậy chẳng phải những người tìm mua hàng (khách hàng tiềm năng của bạn) đang quan tâm nhiều đến loại sản phẩm đó tại địa bàn Tp Hồ Chí Minh hay sao? Đó là cơ hội để hiểu thêm về nhu cầu của họ, cũng là để tiếp cận và bán sản phẩm của bạn.
Có căn cứ để tìm hiểu xem đối thủ của bạn đang làm như thế nào trên internet. Dùng 1 từ khóa nào đó và tìm thử, rồi quan sát trang danh sách kết quả (SERP) trên Google, bạn sẽ thấy được những đối thủ đã cung cấp thông tin thế nào, SEO tốt hay chưa, và liệu bạn có thể vượt qua được họ với từ khóa đó hay không. Nếu Top đầu là những trang chỉ có thứ hạng “tầm tầm” với nội dung bài viết sơ sài, thì bạn đang có nhiều cơ hội để vượt qua họ và lên Top với những từ đó.
Biết cách sắp xếp thứ tự xem nội dung nào nên được ưu tiên làm trước, căn cứ vào lượng tìm kiếm và tính cạnh tranh. Cụm từ nào có lượng tìm kiếm tương đối nhiều (chẳng hạn 1000-10000 lượt mỗi tháng) mà mức độ cạnh tranh trung bình hoặc thấp, thì đó là “mỏ lộ thiên” cần khai thác trước. Tôi sẽ giải thích ý này rõ hơn trong phần Nghiên cứu từng từ khóa, ở gần cuối bài viết này.
Vai trò quan trọng của việc nghiên cứu từ khóa là như vậy, giờ phải triển khai thế nào?
Các bước nghiên cứu xây dựng bộ từ khóa cho website của bạn
Mục đích của phần này là hướng dẫn cách thiết lập nên bộ từ khóa đầy đủ để phát triển nội dung cho website.
Bạn cần chuẩn bị 1 file Excel để ghi lại kết quả cũng như điều chỉnh bổ sung trong toàn bộ quá trình xây dựng bộ từ khóa. Việc này quá dễ phải không?!
Bây giờ chúng ta sẽ đi vào từng bước.
Bước 1: Xác định chủ đề chính của website – tìm Seed keyword
Việc trước tiên cần làm là xác định chủ đề chính của website.
Nếu website mới hoặc chuẩn bị xây dựng, thì có thể chỉ là các ý tưởng của bạn về chủ đề chính. Bạn cần động não và tư duy về việc mình định làm. Còn với những trang web đã có sẵn, thì bạn cũng tư duy lại để xem nội dung trên đó đã phù hợp đối tượng khách hàng mục tiêu hay chưa.
Hãy suy nghĩ xem bạn định lập website về chủ đề gì, mục đích để làm gì?
Trả lời câu hỏi đó sẽ gợi ý cho bạn tìm được chủ đề khái quát. Hãy tìm 1 từ khóa hạt giống (seed keyword) tương ứng và phù hợp nhất với chủ đề đó.
Chẳng hạn website của bạn về trang thiết bị phục vụ các môn thể thao, thì có thể chọn từ khóa chính là “dụng cụ thể thao”. Cũng có thể chọn những từ khóa hẹp hơn, nhưng lại phù hợp hơn với dòng sản phẩm cụ thể mà bạn đang kinh doanh như “golf”, “tennis”, “bóng bàn”. Hãy hình dung, từ khóa trung tâm cần khái quát được về dòng sản phẩm chủ đạo mà bạn đang cung cấp, cũng đồng thời là lĩnh vực mà nhiều người dùng muốn tìm kiếm thông tin trên internet.
Điều quan trọng là khách hàng tiềm năng của bạn thực sự muốn tìm kiếm thông tin về chủ đề đó. Nghĩa là phải phù hợp với “nhu cầu” của khách hàng. Bạn cố gắng xác định được chủ đề “ngách” (niche) phù hợp với thị trường của mình là tốt nhất.
Tiếp nữa là bạn cũng cần có khả năng tổng hợp và chia sẻ kiến thức kinh nghiệm về lĩnh vực đó để thu hút và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tất nhiên, nếu chưa quen thì bạn vẫn có thể học hỏi cách viết bài để tạo nội dung, sẽ được tôi chia sẻ nhiều trên website này.
Chính 2 yếu tố cung cầu tôi vừa đề cập ở trên là phạm trù cơ bản của kinh tế học. Đó cũng là điểm mấu chốt trong kinh doanh, online cũng như offline.
Việc xác định chủ đề chính mang ý nghĩa then chốt là như vậy.
Về thời điểm xác định, nếu có thể, bạn nên làm trước khi thiết kế website (để biết cách bố cục và dàn trang), và chắc chắn cần làm trước khi bắt tay vào tối ưu hóa website. Đừng bắt tay làm SEO khi chẳng biết sẽ làm cho bộ từ khóa nào. Nếu không, sẽ chẳng khác nào người thợ săn bắn hú họa lên trời và hy vọng sẽ trúng con chim nào đó bay qua.
Chiến lược SEO chuẩn chỉnh cho website không thể làm như người thợ săn đó được. Vậy nên phải xác định chủ đề chính.
Nếu bạn vẫn thấy khó khăn trong việc tìm chủ đề, thì hãy bắt đầu bằng cách trả lời những câu hỏi sau:
Bạn đang muốn bán sản phẩm dịch vụ gì?
Khách hàng của bạn muốn mua sản phẩm dịch vụ gì? Họ gặp vấn đề gì, hay mong muốn điều gì mà sản phẩm của bạn có thể đáp ứng?
Điều gì bạn tâm đắc trong công việc hàng ngày của mình, mà có thể giúp được cho khách hàng giải quyết lo lắng của họ?
Thử tìm kiếm trong Google cụm từ mà bạn vừa nghĩ ra. Nhìn vào danh sách gợi ý tự động, bạn có thấy cần bổ sung gì không?
Câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ giúp bạn có được những gợi ý quan trọng về chủ đề website mà bạn đang muốn xây dựng.
Tiếp đó là thu thập những từ khóa liên quan.
Lấy ví dụ tiếp theo ở trên, bạn bán sản phẩm liên quan đến chơi golf. Khách hàng của bạn là những doanh nhân chơi golf nghiệp dư và họ muốn mua bộ sản phẩm mức khá và rất quan tâm đến chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Trong khi đó, cá nhân bạn đã có nhiều kinh nghiệm và rất đam mê với môn thể thao này, và có thể hướng dẫn tư vấn cả vài giờ đồng hồ cho những ai cùng sở thích.
Vậy thì chủ đề và từ khóa trung tâm là “golf”, không có gì phải bàn cãi nữa. Bạn có thể chọn luôn được thêm một vài chủ đề con có liên quan, chẳng hạn như “gậy chơi golf”, “trang phục chơi golf”, “môn thể thao cho doanh nhân”…
Bạn hiểu cách làm rồi chứ?
Cứ bắt tay vào thử, từ từ bạn sẽ làm được.
Sau khi hiểu được từ khóa hạt giống của website là gì cùng với một số từ liên quan trực tiếp, việc tiếp theo là phát triển mở rộng những từ khóa bổ trợ trong lĩnh vực đã chọn.
Bước 2: Tìm kiếm thu thập những từ khóa liên quan
Đây mới chính là những cụm từ mà khách hàng tiềm năng của bạn tìm kiếm nhiều. Bạn cần phải hiểu họ muốn gì, thông qua những gì mà họ quan tâm.
Với người chơi golf nghiệp dư, thì họ có thể tìm những cụm từ như: “học chơi golf”, “kỹ thuật chơi golf cơ bản”, “chọn gậy golf cho người mới tập”…
Thực ra, với mỗi chủ đề thì danh sách từ khóa thường khá nhiều. Trong bước trước, bạn đã hình dung ra ngay một số cụm từ nhất định, bằng kinh nghiệm bản thân, hoặc suy luận từ những câu hỏi thường gặp của khách hàng.
Nhưng như vậy đã đầy đủ chưa?
Tôi tin rằng chưa. Nếu làm SEO một cách bài bản, thì một vài chục từ là hoàn toàn chưa đủ.
Tất nhiên, lĩnh vực khác nhau sẽ có kho từ vựng khác nhau. Nhưng thường số lượng tối thiểu cũng phải hàng trăm từ mới tạm là rộng khắp. Thậm chí, nếu bạn đầu tư sâu, có thể tìm được tới hàng ngàn từ trong lĩnh vực của mình.
Như ví dụ về golf nói trên, tôi tin có thể xác định được vài trăm từ khóa liên quan. Vấn đề là làm thế nào để có số lượng như vậy? Không phải tự ngồi nghĩ mà có được hết.
Thường người ít kinh nghiệm hay lâm vào hoàn cảnh chơi vơi không biết đủ hay chưa, và tìm tiếp thế nào. Có khi chọn thừa những từ khóa không mấy người quan tâm, trong khi lại bỏ qua những cụm từ “đắt giá” mà khách hàng tiềm năng đang tìm kiếm hàng ngày.
Vậy phải có cách để khắc phục lỗi thừa thiếu đó chứ. Tất nhiên là có. Và tôi sẽ trình bày luôn sau đây: cách tìm và lựa chọn những cụm từ khóa cho lĩnh vực của bạn, xung quanh từ khóa trung tâm đã có ở bước trên.
Tôi tiếp tục minh họa theo từ khóa “golf” cho liền mạch nhé.
Ở bước này, bạn sẽ khám phá để phát hiện tất cả những cụm từ có khả năng liên quan, càng nhiều càng tốt. Chưa cần hạn chế hay sàng lọc gì vội. Cứ để thoải mái cho hết tầm, không bỏ sót bất cứ từ nào có thể có giá trị.
Việc cắt xén, lọc bỏ sẽ ở bước sau.
Giờ bắt đầu nhé, với chủ đề trung tâm là “golf”. Và không gì tiện bằng dùng các ứng dụng hỗ trợ, đó chính là…
Các công cụ phân tích từ khóa cho SEO
Bạn hoàn toàn có thể làm thủ công bằng tay. Nhưng như vậy sẽ rất mất thời gian, mà vẫn không hiệu quả và không tìm hết những từ cần biết. Vậy, tại sao không dùng “vũ khí” mà dân trong nghề thường dùng nhỉ?
Đây là những công cụ phổ biến. Bạn cần dùng kết hợp nhiều công cụ để bổ trợ lẫn nhau, từ đó có được kết quả hoàn chỉnh.
Sử dụng các ứng dụng tích hợp trên các website của nhà cung cấp. Trên đó bạn chỉ cần gõ từ khóa trung tâm vào là có thể tìm được rất nhiều cụm từ liên quan.
Tiêu biểu là các công cụ cực kỳ phổ biến và hữu hiệu như:
Gợi ý của công cụ tìm kiếm (đã nói qua ở trên)
Google Keyword Planner – Miễn phí, chỉ cần có tài khoản Google. Các sử dụng hơi phức tạp một chút, nhưng bỏ thời gian tìm hiểu là sử dụng được.
Keywordtool.io – Mất phí. Tuy nhiên có thể xem được chi tiết thông tin về 5 từ khóa đầu tiên, những từ khóa sau không thấy được các thông số. Bạn có thể dùng để check nhanh một từ khóa nào đó cũng rất tiện lợi.
KWFinder – Mất phí, có bản dùng thử 30 ngày.
Spineditor.com
Tôi minh họa cách dùng công cụ phổ biến và miễn phí để bạn làm được ngay.
Hãy gõ 1 từ vào ô tìm kiếm của Google, và nhìn danh sách gợi ý xổ xuống.
Bạn thấy ngay khá nhiều gợi ý hay, phải vậy không? Hãy copy và paste vào file excel lưu trữ.
Lặp lại với những từ khóa chính khác, bạn sẽ xác định được 1 số từ khóa liên quan nhất định. Trong số đó có những cụm từ dài – long tail keyword (vd: “kỹ thuật chơi golf nâng cao”), hay những từ mang tính địa phương (vd: “chơi golf ở hà nội”).
Lưu ý: Google thường gợi ý dựa theo tùy chọn khu vực của bạn, được cá nhân hóa theo tài khoản đăng nhập. Nếu không muốn như vậy, bạn nên Thoát khỏi tài khoản, hoặc chọn khu vực cụ thể trong phần Setting trình duyệt. Điều này quan trọng khi bạn muốn làm SEO theo địa phương khác với nơi bạn đang sống.
Ngoài Google, bạn có thể dùng công cụ gợi ý tương tự của Yahoo, Bing, hay Cốc Cốc. Việc đó hoàn toàn không mất mát gì. Ngược lại, thay đổi công cụ nhiều khả năng sẽ bổ sung thêm những từ khóa mà Mr. Google có thể bỏ qua.
Hình dưới tôi thử dùng công cụ gợi ý của Cốc Cốc, cùng cụm từ “chơi golf”.
Đến giờ bạn đã khám phá được kha khá lượng từ khóa rồi. Hãy tiếp tục với công cụ “khủng” hơn về Lập kế hoạch từ khóa của Google.
Đăng nhập vào Google Keyword Planner;
Chọn Keyword Planner;
Nhập cụm từ khóa trung tâm. Nếu có nhiều từ thì cũng nhập tất cả cùng lúc luôn. Sau đó nhấn Enter để tìm kiếm;
Nhìn kết quả và những cụm từ gợi ý (đừng để ý những thông số khác, sẽ nghiên cứu trong bước sau);
Tải về file excel.
Kinh nghiệm là, bạn nên nhập nhiều từ liên quan mỗi lần search. Như vậy Google sẽ cùng lúc tìm giúp và gợi ý bộ từ khóa liên quan mà “nó” có được từ kho dữ liệu người dùng tìm kiếm.
Ngoài những ứng dụng tôi liệt kê trên đây, bạn có thể nghiên cứu thêm 8 công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí nhưng rất hữu hiệu do Ahref gợi ý.
1. Google Trends: nghiên cứu xu hướng tìm kiếm từ khóa chính thay đổi thế nào theo thời gian (chẳng hạn như từ “golf” trong hình dưới ở Việt Nam)
Và bạn để ý xuống phía dưới sẽ thấy danh sách từ khóa liên quan đến từ khóa chính đó.
Nhìn danh sách, bạn có thể thu thập thêm được những cụm từ đang rất hợp trend như “luật golf 2019”, hay “sân golf kim bảng hà nam”.
2. Keyword Shitter: sử dụng đơn giản và cho nhiều kết quả. Bạn chỉ cần gõ từ khóa chính (hạt giống), rồi nhất “Shit Keywords”, bạn sẽ thấy kết quả khá nhanh, trong vài giây đã thêm hơn 200 kết quả. Nhưng nếu để công cụ tìm hết, thì cũng phải chờ một lúc khá lâu. Nếu muốn dừng thì nhấn “Stop Job”.
3. AdWord & SEO Keyword Permutation Generator: giúp bạn tạo ra rất nhiều những cụm từ khóa bằng cách kết hợp và đảo trật tự những cụm từ liên quan. Tôi thử làm theo cách này, và tìm được như ví dụ dưới:
4. Answer the Public: là một công cụ khác để tìm những từ khóa xung quanh cụm từ hạt giống. Phù hợp hơn với tiếng Anh. Tôi đã thử với tiếng Việt, thì thấy cũng được một số kết quả nhất định, sắp xếp theo chữ cái, chẳng hạn như hình dưới.
5. Google Correlate: Công cụ này phù hợp hơn với tiếng Anh, chưa hiệu quả với từ khóa tiếng Việt, nên tôi tạm thời không nêu chi tiết.
6. Keywords Everywhere: Ứng dụng dạng Addon cài trên Chrome hoặc Firefox, cung cấp thêm dữ liệu như lượng truy cập, CPC, mức độ cạnh tranh… của từ khóa khi bạn search trên Google, Youtube, Amazon, Ebay… Qua đó bạn có thể xác định và phân tích từ khóa.
7. Wordtracker Scout: Một ứng dụng khác trên Chrome, cho phép bạn tìm ra các từ khóa liên quan nhiều nhất trên một trang webpage nào đó. Rất phù hợp khi bạn nghiên cứu thu thập keyword từ website đối thủ. Chỉ cần mở trang bài viết và nhấn nút “W” trên thanh ứng dụng, và chờ ứng dụng tìm kiếm thu thập kết quả.
8. Google Search Console: Công cụ miễn phí này cho phép bạn những thông tin hữu ích về những từ khóa bạn đã được Google xếp hạng (kể cả chưa lên Top). Để sử dụng, bạn phải có quyền quản trị trang web cần nghiên cứu.
Tra cứu trong Widipedia
Hãy vào thử trang bách khoa toàn thư như Wikipedia.com, hay những trang tương tự trong lĩnh vực của bạn. Sau đó tìm kiếm từ khóa trung tâm của bạn. Đọc xem trang kết quả chi tiết nói những gì, bạn sẽ thấy được rất nhiều kiến thức kinh nghiệm, và từ khóa liên quan.
Bổ sung vào danh sách những cụm từ mà bạn thấy hay.
Trên các diễn đàn, hội nhóm
Truy cập vào một số diễn đàn uy tín trong chuyên ngành mà website hướng tới. Hoặc có thể là các nhóm (group) trên Facebook, Zalo… Đọc các chủ đề, status, post mà nhiều người quan tâm, nhất là khách hàng tiềm năng có nhiều thắc mắc và bàn luận.
Ví dụ, nếu web của bạn về xe hơi, thì không nên bỏ qua diễn đàn otofun, otosaigon. Người bán đồ cho mẹ và bé thì có webtretho, lamchame. Còn người làm website về công nghệ thì chắc hẳn cần nhớ tới ttvnol.com hay sinhvienit.net…
Thử vào những diễn đàn đó, bạn sẽ thấy vô số ý tưởng và từ khóa liên quan.
Những “thớt” nhiều người comment, và những bài viết hay trên đó sẽ cho bạn thấy những từ khóa khá hay. Dùng tư duy và hiểu biết của bạn trong lĩnh vực đó để lựa chọn thêm những từ khóa “đắt” vào danh sách bạn đang xây dựng.
Để ý đến những từ khóa dài, nhưng đang được người dùng sử dụng và quan tâm. Những từ này thường dễ cạnh tranh, và có tỉ lệ chuyển đổi rất cao.
“Do thám” trên website của đối thủ
Biết mình biết người là một trong những bí quyết để cạnh tranh và chiến thắng. Điều này cũng đúng trong “cuộc chiến” online.
Bạn hãy tìm và vào xem trang web của những đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp. Đọc xem họ viết những gì. Tạm thời chưa đánh giá hay so sánh phân tích gì về những website đó (việc này để sau). Giờ bạn chỉ tìm hiểu xem họ viết về nội dung gì, dựa trên những từ khóa nào là đủ.
Học từ cái hay của đối thủ, và bổ sung vào hệ thống từ khóa của bạn nhé.
Đến đây, bạn đã có 1 danh sách gồm rất nhiều từ khóa, cùng các thông tin liên quan (lượng tìm kiếm, mức độ cạnh tranh…). Giờ là lúc sàng lọc, lựa chọn, và tinh gọn danh sách này.
Bước 3: Sàng lọc và tinh gọn danh sách từ khóa
Nếu quan sát kỹ danh sách từ khóa bạn có được ở trên, bạn thấy ngay rằng sẽ có nhiều cụm từ không (hoặc ít) liên quan, hay không phù hợp để phát triển nội dung.
Bạn không thể đủ thời gian và nguồn lực để dàn trải cho những từ khóa ít hoặc không có giá trị, với người dùng mục tiêu, với công cụ tìm kiếm, và với bạn.
Vì vậy sẽ phải cắt bỏ tối đa “không thương tiếc” với những từ không tiềm năng.
Vậy phân loại như thế nào? Từ nào phải cần loại bỏ? Dưới đây là một số tiêu chí giúp bạn lựa chọn:
Những cụm từ không liên quan gì đến chủ đề chính, mà các công cụ đã vô tình thu thập
Những cụm từ có lượng tìm kiếm quá thấp (dưới 10 lượt/tháng), trừ khi đó là những từ trực tiếp nói về sản phẩm dịch vụ của bạn, và bạn thấy rằng chắc chắn cần thiết (khi đó, thì không cần để ý nhiều đến con số nữa).
Từ khóa bị trùng lặp, hoặc có ý nghĩa giống nhau mà chỉ khác nhau một chút về số lượng hay trật tự từ, hay tiếng Việt có dấu hoặc không dấu. Chẳng hạn: “gậy chơi golf” và “gay choi golf”, “sân golf tại hạ long” và “sân golf hạ long”.
Sau khi đã cắt gọt những cụm từ thừa thãi, giá trị thấp, trùng lặp, bạn đã có một bản thảo gần như hoàn chỉnh.
Một thành tựu đáng kể cho kế hoạch chinh phục “giấc mơ online”. Cheers!
Nhưng vẫn còn việc phải hoàn thành nốt nhé. Nếu mệt, bạn có thể tạm hài lòng với “công trình” mình vừa làm được, và nghỉ ngơi, rồi quay lại sau cũng được.
Bước tiếp theo…
Bước 4: Sắp xếp hệ thống từ khóa thành các nhóm nội dung
Tại sao cần làm như vậy?
Vì hệ thống từ khóa bạn xây dựng ở bước trên nằm rải rác và không theo trật tự mong muốn, không đủ những thông số cần thiết để đánh giá.
Để làm SEO hay content marketing hiệu quả, cần có chiến lược cụ thể cho những mảng nội dung cần làm và thứ tự từng mảng để đầu tư thời gian, công sức, và chi phí cho hợp lý.
Vì vậy, bạn hãy tập trung, mở file từ khóa ra, và bắt đầu sắp xếp.
Đọc rà soát từ trên xuống dưới. Nhặt ra những chủ đề chính, mang tính bao quát, có liên quan và có thể đại diện cho những từ khóa khác chi tiết hơn. Sau đó đưa những từ khóa chi tiết vào từng nhóm phù hợp. Tiếp theo ví dụ trên, có thể sắp xếp thành 1 số nhóm như sau:
Gậy golf: các loại gậy golf, gậy golf cũ, gậy golf honma
Bóng golf: bóng golf cũ, bóng golf phát sáng, bóng golf volvik
Trang phục chơi golf: trang phục golf cho nam (nữ, giá rẻ), giầy golf, quần chơi golf
Học chơi golf: golf là gì, chơi golf như thế nào, luật golf mới nhất, par trong golf là gì
Nếu nhóm nào có lượng từ quá nhiều, thì có thể tìm cách tách nhỏ ra. Ngược lại, nếu nhóm nào quá ít từ khóa, thì bạn có thể xem gộp chung vào nhóm mang ý nghĩa khái quát hơn. Mục đích là để tạo thành cây từ khóa cho dễ nhận biết, theo dõi, và làm nội dung.
Đến đây, bạn đã có bản thiết kế khá hoàn chỉnh cho nội dung website của bạn. Nó giống như bạn đã có được chìa khóa cho “kho báu” mà mình đã dày công tìm kiếm. Giờ là lúc bắt tay vào việc tìm cách mở kho báu ấy ra, để thực sự sở hữu được những tài sản mà bạn mong đợi.
Đó chính là tạo nội dung dựa trên kết quả nghiên cứu bộ từ khóa của bạn. Hay nói theo cách thông thường: viết bài chuẩn SEO cho website. Nhưng để làm điều đó, cần làm thêm 1 bước nữa: đi sâu vào nghiên cứu, so sánh, đánh giá từng từ trong kho từ khóa của bạn.
Công việc xem xét từng từ có thể bạn đã làm ít nhiều trong phần trên. Tuy nhiên ở phần tiếp, tôi nêu chi tiết cho 1 từ riêng rẽ, khi đó tạm bỏ qua những từ khác để không bị rối.
Nghiên cứu từng từ khóa riêng biệt
Sở dĩ phải làm cho từng từ là để xem xét khi nào làm SEO cho từ khóa nào, vì bạn không thể tham làm làm tất cả các từ 1 lúc.
Về cơ bản, chúng ta đều muốn tìm được nhiều từ có độ khó thấp, nhu cầu tìm kiếm cao, và có tính thương mại cao (từ khóa về mua bán bán hàng hóa dịch vụ).
Nhưng thực tế đâu có dễ dàng như vậy. Thường bạn sẽ tìm thấy nhiều từ dễ, nhưng cũng nhiều từ khó “xơi”. Vì vậy phải phân tích để so sánh đánh giá và lựa chọn ra những cụm từ cần làm SEO cho từng giai đoạn.
Một số tiêu chí đánh giá bao gồm:
Từ khóa có liên quan thế nào đến chủ đề chung của website, hay chủ đề nhỏ hơn của nhóm (ở bước trên)?
Lượng tìm kiếm hàng tháng ra sao? Mức độ cạnh tranh thế nào?
Độ khó của từ thế nào? Hay mức độ tiềm năng của từ ra sao?
Từ khóa về sản phẩm dịch vụ, hay có tính thương mại cao hay không?
Những tiêu chí nêu trên sẽ quyết định mức độ hấp dẫn, tiềm năng của từ khóa đó. Bằng đánh giá của mình, bạn sẽ biết được nên tạo nội dung (và làm SEO) cho cụm từ đó vào thời điểm nào.
Với những website đã có sẵn, bạn có thể dùng công cụ Google Rank Checker để kiểm tra thứ hạng từ khóa mà website đó đang đạt được với Google. Một số công cụ miễn phí, và dùng tốt với từ khóa tiếng Việt như:
https://www.serprobot.com/serp-check.php (mỗi lần tối đa 5 từ khóa)
https://smallseotools.com/keyword-position (mỗi lần tối đa 5 từ khóa)
Lời kết
Rõ ràng nghiên cứu từ khóa là một công việc tốn rất nhiều công sức. Bạn phải tìm hiểu và biết cách thực hiện từng bước. Theo đó, phải tìm ra được những từ khóa trung tâm, và dùng công cụ cũng như những nguồn tham khảo để thu thập từ khóa liên quan. Rồi cắt xén gọt giũa, sắp xếp để có bản thiết kế cho website của mình.
Kết quả rất đáng giá cho công sức bạn bỏ ra.
Hy vọng bài viết này cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Giờ là lúc bạn bắt tay vào làm.
Bạn có cách thức gì hay trong nghiên cứu từ khóa không? Hãy chia sẻ nhé!