Hướng dẫn viết quảng cáo Google Ads dễ hiểu

Bài viết này hướng dẫn cách viết quảng cáo Google Ads cho mạng tìm kiếm. Bạn đọc các bước là có thể tự làm được ngay. Đạt chuẩn luôn!

Ở đây, tôi không nói về cách tối ưu quảng cáo Google Adwords, mà chỉ hướng dẫn cách viết nội dung và thiết lập các mẫu quảng cáo – là những gì mà người dùng nhìn thấy – sao cho thu hút nhất.

Mục đích của việc viết quảng cáo là kích thích người dùng tương tác với quảng cáo của bạn, thay vì của những đối thủ nằm ở vị trí xung quanh. Thêm nữa, ở đây tôi tập trung vào việc viết nội dung cho quảng cáo văn bản trên mạng tìm kiếm (Google Search), chứ không phải mạng hiển thị (Google Display Network), hay các mạng khác (Shopping, Video, Apps…).

NỘI DUNG CHÍNH

Cấu trúc 1 mẫu quảng cáo Google Ads
Cách viết quảng cáo Google Ads trên mạng tìm kiếm

1. Nhập đường dẫn cuối cùng (Final URL)
2. Viết tiêu đề quảng cáo Google Ads thế nào?

Headline 1: đoạn tiêu đề thứ nhất
Headline 2: đoạn tiêu đề thứ hai
Headline 3: đoạn tiêu đề thứ ba
3. Viết mô tả cho mẫu quảng cáo Google Ads thế nào?
4. Thiết lập các tiện ích mở rộng ra sao?

Thu hút khách hàng từ địa điểm kinh doanh của bạn
Thu hút khách hàng liên hệ với bạn
Thu hút khách hàng chuyển đổi trên trang web của bạn
Thu hút mọi người tải ứng dụng của bạn xuống
Tóm lược

Trước hết tôi sẽ nói về 1 mẫu quảng cáo văn bản đầy đủ nhất thì có những nội dung gì. Từ đó tôi sẽ phân tích cần phải soạn nội dung gì cho từng chi tiết đó.

Xin lưu ý, những thành phần nội dung này không phải lúc nào cũng được Google cho hiển thị đầy đủ, vì nó phụ thuộc vào thiết bị mà người dùng sử dụng (vd: máy tính, điện thoại di động), và vào việc Google dự đoán hiển thị thế nào để cải thiện hiệu suất quảng cáo. Nói đơn giản, Google sẽ quyết định có cho hiển thị 1 số thành phần nội dung quảng cáo của bạn hay không, tùy lúc.

Cấu trúc 1 mẫu quảng cáo Google Ads

Đây là 1 mẫu quảng cáo với khá đầy đủ các thành phần nội dung chính trên trang kết quả tìm kiếm (SERP).

Cấu trúc 1 mẫu quảng cáo Google Search

Như bạn thấy trong hình, mỗi mẫu quảng cáo trên mạng tìm kiếm của Google thường có 4 thành phần quan trọng mà bạn cần soạn nội dung:

Đường dẫn
Tiêu đề
Mô tả
Các tiện ích mở rộng

Trong phần tiếp theo đây, tôi sẽ hướng dẫn cách soạn nội dung cho từng thành phần vừa nêu.

Trường hợp bạn mới làm quen với quảng cáo trực tuyến, thì có thể đọc trước 2 bài viết này:

Khái quát về quảng cáo Google
Cách chạy quảng cáo Google Ads
Cách viết quảng cáo Google Ads trên mạng tìm kiếm

Nếu bạn đã từng nghiên cứu hoặc đã làm qua thì sẽ hiểu rằng cách viết mẫu quảng cáo cũng khá giống với việc viết nội dung cho một số yếu tố cốt yếu trên các trang web: tiêu đề, mô tả, url (thường đề cập đến trong SEO On-Page).

Ai đã biết cách làm SEO website, thì thấy phần này khá dễ. Còn ai chưa quen, thì xin mời đọc tiếp.

Sau đây tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu cách soạn từng thành phần chính trong mẫu quảng cáo:

1. Nhập đường dẫn đích (Final URL)

Trong phần tạo mẫu quảng cáo, thông tin đường dẫn được đưa lên trước tiên, trên cả dòng tiêu đề. Do đó, tôi cũng giới thiệu mục này trước.

Thực ra Final URL chính là đường dẫn thực sự của trang đích (landing page), là trang mà bạn muốn người dùng ghé thăm khi họ nhấp chuột vào quảng cáo của bạn.

Bạn chỉ cần copy đường dẫn đầy đủ của trang đích trên website, và dán vào ô đó là xong.

Cần lưu ý: đường dẫn cuối cùng (của trang đích) khác với đường dẫn hiển thị (Display path) trên trang kết quả:

Final URL: là đường dẫn thực sự của trang đích, người dùng có thể vào trang web từ URL này
Display path: chỉ là đường dẫn hiển thị trong nội dung mẫu quảng cáo, người dùng không thể truy cập được vào đường dẫn này (bạn soạn ra chỉ để cho hình thức bắt mắt)
2. Viết tiêu đề quảng cáo Google Ads thế nào?

Tiêu đề là phần quan trọng nhất, nêu bật trọng tâm của mẫu quảng cáo.

Hầu hết mọi người khi xem quảng cáo sẽ đọc lướt qua tiêu đề trước tiên, do đó bạn cần chú trọng đến phần này nhiều hơn cả.

Về hình thức hiển thị dòng tiêu đề, Google có áp dụng thay đổi ít nhiều theo thời gian. Vào giữa năm 2020, tôi kiểm tra cách hiển thị dòng tiêu đề trên trang kết quả tìm kiếm, thì các thông số như sau:

Font chữ “arial, sans-serif”
Màu chữ xanh dương (mã màu #1a0dab),
Cỡ chữ 20px.

Những thông số này do Google tự quy định, bạn và tôi chẳng thể tác động gì. Do đó, cũng không cần quan tâm nhiều lắm.

Về nội dung, dòng tiêu đề mà người dùng nhìn thấy thực ra gồm từ 1 đến 3 đoạn tiêu đề nối vào nhau. Các đoạn cách nhau bởi dấu gạch đứng “|” do Google tự chèn vào. Bạn tự quyết định việc dùng tối thiểu 1 đoạn hay nhiều hơn, tùy theo thực tế nhu cầu.

Trong cửa sổ soạn thảo, bạn cần soạn nội dung cho các thành phần như sau:

Headline 1: đoạn tiêu đề thứ nhất

Ghi chú: tôi dùng từ “đoạn tiêu đề” thay vì từ “dòng tiêu đề” để hiểu đúng bản chất. Vì các đoạn này đều có thể nằm trên 1 dòng.

Đoạn đầu tiên là đoạn quan trọng nhất, và bắt buộc phải có. Bạn nên viết ngắn gọn nhất nội dung cần truyền tải, giới hạn trong 30 ký tự. Có thể tham khảo cách viết như sau:

Chứa từ khóa chính cần quảng cáo, thường cũng chính là cụm từ mà bạn dự đoán người dùng sẽ tìm kiếm có liên quan đến sản phẩm dịch vụ của bạn. Ví dụ: rèm cửa cao cấp, biệt thự biển Hạ Long.
Tập trung vào vấn đề mà khách hàng đang quan tâm: Bán rèm cửa cao cấp, mở bán biệt thự biển Hạ Long.
Headline 2: đoạn tiêu đề thứ hai

Hiển thị sau đoạn thứ nhất trên dòng tiêu đề và cũng dài tối đa 30 ký tự. Trên thiết bị di động, đoạn tiêu đề thứ 2 và thứ 3 có thể được ngắt xuống dòng tiếp theo.

Mục đích là để bổ sung những nội dung còn thiếu cho đoạn thứ nhất. Bạn nên đưa vào đây những thông tin hữu ích mà người dùng quan tâm – những gì có thể “hớp hồn” người đọc. Điển hình có thể thông tin liên quan đến:

Ưu đãi: mua 1 tặng 1, giảm giá 50%, giá chỉ còn 999k
Lợi thế cạnh tranh của công ty bạn: đại lý độc quyền ở Việt Nam, 40 năm kinh nghiệm…
Thế mạnh của sản phẩm dịch vụ: nhập khẩu nguyên chiếc, hàng xách tay, còn nguyên tem mác
Tạo hiệu ứng tâm lý: giật gân (“Bán camera – Quay được cả ma”), lâm ly bi đát (“Dịch vụ chuyển phát – Nhanh như người yêu cũ trở mặt”), kích thích tò mò cao độ (“Thiết kế nội thất – Đẹp như nội y ”)
Headline 3: đoạn tiêu đề thứ ba

Tương tự như đoạn tiêu đề thứ 2, nhằm tiếp tục bổ sung những nội dung kích thích người dùng xem quảng cáo.

>> Đọc thêm 10 mẫu tiêu đề quảng cáo bá đạo

Ngoài cách nhập thông thường, bạn còn có thể sử dụng tính năng nâng cao khi viết tiêu đề, chẳng hạn: viết tiêu đề kết hợp chèn từ khóa, sử dụng bộ đếm ngược… Tham khảo thêm tại đây.

3. Viết mô tả cho mẫu quảng cáo Google Ads thế nào?

Phần mô tả này tiếng anh gọi là Description, là nơi bạn được trình bày nhiều hơn về nội dung mà mình muốn nói với khách hàng tiềm năng.

Description gồm 2 phần, nhập nội dung riêng biệt, nhưng được hiển thị nối tiếp nhau. Độ dài mỗi phần tối đa là 90 ký tự.

Cũng tương tự như cách viết SEO Meta Description, bạn cần biết:

Chứa từ khóa chính, nên sử dụng 1 lần
Mô tả chi tiết hơn nội dung trên dòng tiêu đề
Nội dung ngắn gọn, hấp dẫn. Có thể kết hợp dấu gạch ngang giữa những cụm từ ngắn, để tạo cảm giác dồn dập, kích thích mạnh. Ví dụ “Iphone XS Max 512GB – chính hãng – hàng xách tay – bảo hành 3 năm.”
4. Thiết lập các tiện ích mở rộng ra sao?

Tiện ích mở rộng được đưa vào nhằm cung cấp thêm thông tin, để thuyết phục khách hàng xem sản phẩm dịch vụ mà bạn đang quảng cáo. Vì thế, bạn nên sử dụng tất cả những tiện ích mở rộng có liên quan đến sản phẩm dịch vụ mà bạn muốn quảng cáo, nhằm tối ưu hóa hiệu quả chuyển đổi.

Thực chất, đây là cách Google cho phép bạn đưa thêm thông tin vào mẫu quảng cáo. Điểm hay là thêm thông tin mà vẫn miễn phí.

Vậy được mở rộng thêm những thành phần gì? Google hướng dẫn lựa chọn theo 1 trong 4 nhóm mục tiêu:

Thu hút khách hàng từ địa điểm kinh doanh của bạn
Phần mở rộng vị trí (Location extensions): nhằm khuyến khích khách hàng tiềm năng ghé thăm địa điểm kinh doanh của bạn, bằng cách thêm địa chỉ vào phần cuối mẫu quảng cáo.

Tiện ích mở rộng – thêm vị trí doanh nghiệp trong quảng cáo Google Ads

Phần mở rộng vị trí của các đơn vị liên kết (Affiliate location extensions): Hiển thị địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp liên kết có bán sản phẩm của công ty bạn. Thường phù hợp với nhà máy quảng cáo sản phẩm, hướng người dùng tìm đến chuỗi cửa hàng bán lẻ ở gần đó.

Phần mở rộng về vị trí các đơn vị liên kết

Phần mở rộng chú thích (Callout extension): nhằm quảng bá các ưu đãi độc đáo, qua việc thêm các chú thích như: Giao hàng miễn phí, Dịch vụ khách hàng 24-7…

Phần mở rộng chú thích trong mẫu quảng cáo Google

Thu hút khách hàng liên hệ với bạn

Nếu bạn muốn người dùng gọi điện hoặc nhắn tin SMS cho bạn thì nên sử dụng Phần mở rộng về cuộc gọi (Call extensions). Trên mẫu quảng cáo sẽ hiển thị số điện thoại, và người dùng có thể bấm gọi luôn cho bạn từ điện thoại thông minh của họ.

Tiện ích mở rộng về cuộc gọi, giá, liên kết

Thu hút khách hàng chuyển đổi trên trang web của bạn
Phần mở rộng về đường liên kết trang web (Sitelink extensions): hướng người dùng đến những trang web cụ thể thông qua đường link tương ứng. Ví dụ như ảnh trên đây, có đặt link đến các trang con trên website: “Báo giá tủ bếp gỗ Acrylic”, “Mẫu tủ bếp gỗ sồi Mỹ”, “Mẫu tủ bếp gỗ Laminate”.
Phần mở rộng về giá (Price extensions): đưa thêm thông tin giá của sản phẩm, giúp người dùng có thể mua hàng ngay từ quảng cáo.  Xem hình phía trên về tiện ích giá: “Giảm giá: thi công…”.
Phần mở rộng về đoạn thông tin có cấu trúc (Structured snippet extensions): Làm nổi bật các khía cạnh cụ thể trong các sản phẩm và dịch vụ của bạn, nghĩa là nó cho khách truy cập xem trước bản chất cũng như phạm vi của các sản phẩm và dịch vụ trước khi họ nhấp vào quảng cáo. Chẳng hạn khi bạn quảng cáo tủ bếp, thì có thể chọn phần mở rộng “Loại”, với tên các sản phẩm như: Tủ bếp Acrylic, Tủ bếp Lminate… Hay với nội dung về vé máy bay giá rẻ (hình dưới), thì đoạn tin có cấu trúc thuộc loại “Điểm đến”, cùng với tên các địa danh như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt…

Tiện ích mở rộng – đoạn tin có cấu trúc

Thu hút mọi người tải ứng dụng của bạn xuống

Nếu bạn muốn mọi người tải ứng dụng của bạn xuống, thì hãy sử dụng phần mở rộng về ứng dụng (App extensions).

Trong số các thành phần mở rộng, có những tiện ích bạn phải tự mình cấu hình thủ công. Bên cạnh đó cũng có 1 số tiện ích mở rộng sẽ được tự động thêm vào khi Google dự đoán rằng việc đó sẽ cải thiện hiệu quả quảng cáo.

Để tránh phải lập lại nhiều lần cho các mẫu quảng cáo, bạn có thể thiết lập tiện ích mở rộng ở những cấp độ cao hơn như cấp chiến dịch, hay cấp tài khoản. Khi đó, các tiện ích sẽ được áp dụng cho toàn bộ các mẫu quảng cáo thuộc cấp độ mà bạn đã thiết lập (tiết kiệm thời gian công sức!).

Tóm lược

Trong phần trên, tôi đã thảo luận khá chi tiết về cách viết quảng cáo Google Ads. Đồng thời, tôi cũng đã liệt kê và nói về cách thiết lập các tiện ích mở rộng nhằm tối đa hóa lợi ích cho việc quảng cáo Google.

Hy vọng bạn tìm thấy thông tin hữu ích từ bài viết này.

Nếu bạn có nhu cầu về dịch vụ chạy quảng cáo Google, vui lòng liên hệ với tôi để được tư vấn thêm nhé.

Gọi ngay Hotline: 094 456 1874

Đánh giá post