Content pillar là khái niệm dành cho dân chuyên nghiệp trong thế giới Marketing, do đó dù không mới mẻ nhưng không phải tất cả mọi người đều biết về nó. Nếu bạn cũng chưa hiểu rõ về khái niệm này, hãy làm quen với nó trong bài viết dưới đây! Nếu nắm rõ nội dung và biết cách khai triển Content pillar, bạn có thể xây dựng nhiều giá trị lớn mạnh cho trang web của mình.
Content pillar là gì?
Content pillar là nền tảng tổng quát gồm tất cả nội dung của trang web/social media bạn sẽ triển khai. Có nhiều định nghĩa khác nhau cho Content pillar, tuy nhiên chung quy lại cũng đều mang cùng một nghĩa. Hãy tưởng tượng một cách đơn giản, content pillar chính là cái sườn chủ đề chính để phát triển từ big idea. Khi nhìn vào bảng pillar, bạn sẽ thấy những chủ đề trụ cột bao quát rộng lớn toàn chiến lược nội dung. Từ cái sườn đó, bạn sẽ khai triển thêm nhiều ý tưởng nhỏ hơn, các chủ đề phụ liên quan xung quanh một cách đồng nhất.
Ví dụ: Content chủ đề cho trang công nghệ điện tử như sau:
Nhóm thiết bị: PC, Laptop, điện thoại,…
Kiến thức, kinh nghiệm
Dịch vụ: mua bán, sửa chữa,…
Review sản phẩm công nghệ điện tử
Sự kiện nổi bật
Với những trang chủ đề cốt lõi này bạn có thể triển khai ra nhiều ý tưởng như
Bài dịch vụ theo địa điểm, đối tượng sử dụng,…
Các bài tin giới thiệu sản phẩm điện thoại tin đồn
Bài Top list các thiết bị nên mua
Bài so sánh giữa các thiết bị
…
Dù ý tưởng gì đi nữa, bạn cũng cần triển khai dựa vào content pillar của trang web để nội dung được nhất quán. Trang web có sự sâu sắc về chuyên môn sẽ được Google đánh giá cao và được người dùng tin tưởng sử dụng thường xuyên.
> Có thể bạn quan tâm: 5 giải pháp khắc phục việc cạn kiệt ý tưởng trong content marketing
Thuật ngữ liên quan đến Content pillar
Hai thuật ngữ thường được nhắc kèm theo content pillar mà bạn không thể bỏ qua chính là Topic cluster và subtopic.
Subtopic trong tiếng Anh có nghĩa là chủ đề phụ, tức là những chủ đề được triển khai ra sau khi có sườn chủ đề chính.
Còn Topic cluster nghĩa là cụm chủ đề để tạo thành content pillar, cluster bao gồm một nhóm các subtopic có nội dng chuyên sâu và cụ thể. Topic cluster được chọn lọc kỹ càng mang nghĩa rộng sẽ giúp triển khai được nhiều khía cạnh subtopic và hỗ trợ Content pillar lớn mạnh, sâu sắc hơn.
Mô hình Topic cluster xâu chuỗi các nội dung ngữ nghĩa trên trang web, giúp công cụ tìm kiếm dễ quét ra thông tin mọi người cần tìm. Mô hình này cũng giúp mọi người đánh giá được trang web của bạn có độ sâu như thế nào trong chuyên môn, chứ không phải bạ đâu viết đó.
6 bước để tạo Content Pillar hoàn hảo
Content pillar là nền tảng quan trọng của blog, website do đó hãy bám sát phát triển các chủ đề một cách hợp lý.
Bước 1 – Tìm chủ đề cốt lõi
Trước tiên, bạn cần phải tìm ra chủ đề cốt lõi cho trang web của mình (có thể hiểu là big idea). Chủ đề phải có giá trị, hỗ trợ đa khía cạnh cho sản phẩm/ dịch vụ bạn hướng tới hoặc bổ trợ kiến thức trong hành trình mua hàng của người dùng.
Cần chú ý xem chủ đề bạn chọn rộng hay hẹp, nếu quá hẹp sẽ khó khai triển ý, không phát triển được website trong tương lai sau này. Do đó, bạn phải lựa chọn cẩn thận chủ đề cốt lõi ít nhất phải đủ rộng để tạo từ 20-30 bài viết.
Nếu bạn không biết cách làm thế nào để lựa chọn content pillar, hãy thử đánh giá đối tượng khách hàng của bạn. Khách hàng sẽ tìm kiếm gì và cần gì trên trang web, bạn có thể cung cấp những kiến thức nào dành cho họ.
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên nằm vùng trong các web của đối thủ. Chắc chắn bạn sẽ tìm ra những chủ đề cốt lõi có giá trị tại đây. Bạn có thể mượn ý tưởng, và biến tấu nó để nó thực sự trở thành sản phẩm của mình.
Bước 2: Tạo Topic cluster, subtopic và triển khai ý
Hãy tạo ra danh sách những chủ đề phụ có liên quan ít nhiều với chủ đề cốt lõi, sau đó triển khai chúng. Bạn có thể thực hiện các thao tác tìm kiếm từ khoá bằng phần mềm riêng, học học từ đối thủ.
Hoặc đơn giản nhất, hãy đến Google nhập vào một “trụ” của pillar, kéo xuống dưới cùng và những chủ đề liên quan sẽ hiện ra. Những thao tác này sẽ giúp bạn có khối lượng cluster hoặc subtopic khủng, bạn cũng có thể phân biệt được những topic có lượng truy cập cao.
Bước 3: Xây trang trụ cột
Để xây trang trụ cột và tối ưu hoá nội dung trên web bạn cần lưu ý phải tạo ra một bản đồ rõ ràng. Nơi mà người xem, khách hàng có thể tìm thấy dễ dàng những thứ họ muốn. Nếu họ muốn tải dữ liệu xuống cần thiết kế tùy chọn để họ tải xuống dễ dàng.
Khi xây dựng trang trụ cột, đừng quên những yếu tố sau:
Phần mục lục gồm các liên kết đến từng tiêu đề nhỏ trên trang để khách hàng dễ theo dõi.
Các nguồn liên kết nội bộ, liên kết ngoài để cũng cấp thông tin chi tiết hơn cho nội dung bạn chia sẻ
Thông tin nội dung chính của chủ đề cốt lõi ( Tiêu đề, Thẻ H1, H2, H3)
Sử dụng hình ảnh đúng kích thước, trang bị nút quay lại đầu trang
Biểu mẫu để giúp người đọc để lại thông tin/ cách liên hệ trực tiếp với bạn
Nút Call to Action
Bước 4: Viết sáng tạo, chỉnh sửa Content pillar
Các trang đích của các “trụ” trong content pillar phải được đầu tư chỉn chu, nội dung chất lượng và dài hơn nhiều so với một bài đăng blog thông thường. Trong đó, bạn cần phải cho người đọc biết họ sẽ tìm thấy gì, những điều có lợi gì cho họ và lợi cả cho thương hiệu của bạn.
Sau đó, viết sâu hơn về từng chủ đề nhỏ hơn, khai thác mọi ngóc ngách, mọi câu hỏi của người dùng trong lĩnh vực đều cần được giải đáp tại đây. Hãy sử dụng những liên kết để điều hướng từ trang web của bạn đến những trang web khác (hoặc trang khác của web của bạn) với nội dung có ý nghĩa.
Bạn cần sắp xếp nội dung đúng cách ý lớn bao bọc những ý nhỏ, sắp xếp tuần tự nhằm thuận lợi cho người dùng kiếm tìm.
Tốt nhất bạn nên có khoảng 20 liên kết nội bộ, mỗi nội dung này cũng cần liên kết lại trang content pillar để tạo mối quan hệ chặt chẽ hai chiều.
Bước 5: Quảng bá thành phẩm
Sau khi xây xong trang chính của content pillar, bạn cần phải chia sẻ trang này để nhiều người biết đến. Hãy chia sẻ nó ở bất cứ đâu mà bạn biết, trên các trang social media, gửi email cho người dùng, chạy quảng cáo, liên kết với blog,…
Tóm lại, hãy nói về nó với tất cả mọi người để sản phẩm của bạn được phổ biến rộng rãi.
Bước 6: Thường xuyên cập nhật, cải tạo nhưng “đừng đi quá xa”
Nếu bạn đã đến tận đây, quả là bạn đã rất xuất sắc vượt qua một hành trình dài. Nhưng đừng vì vậy mà ngủ quên trên chiến thắng, bạn cần thường xuyên nâng cấp, cải tạo và Audit Content để nâng cao giá trị nội dung bạn đã chia sẻ. Chắc chắn bạn không thể tạo ra sản phẩm hoàn hảo mà không cần sửa chữa. Do đó, thường xuyên xem lại để chỉnh sửa các lỗi và giúp khách hàng tin tưởng hơn vào trang web của bạn.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi cập nhật và thay đổi, bạn cần đảm bảo rằng những chỉnh sửa mới không vượt qua, chệch hướng hoặc làm thay đổi ý tưởng lớn ban đầu.
Tổng Kết
Khi bạn tập trung giải quyết vấn đề cho độc giả thành công cũng là lúc bạn đong đếm thành công của chính mình. Cuối cùng, cần lưu ý đến thay đổi trong lĩnh vực khiến bài viết trở nên lỗi thời. Hãy liên tục cập nhật để giúp website trở nên đắt giá.