Nghiên cứu từ khoá là giai đoạn không thể thiếu khi thực hiện SEO website. Nếu bộ từ khoá được xác định sai sẽ khiến kết quả tối ưu cuối cùng không được như mong muốn: lượt xem trang tự nhiên thấp, lượng hiển thị và tỷ lệ nhấp chuột thấp, không đem về giá trị chuyển đổi,…
Nghiên cứu từ khoá là gì?
Nghiên cứu từ khoá là quá trình tìm kiếm, phân tích và sử dụng những từ/cụm từ được người dùng nhập vào thanh tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm (ở bài viết này, Google sẽ là công cụ tìm kiếm được tập trung phân tích).
Người dùng Internet thường tìm kiếm một thông tin nào đó bằng cách lên Google và search. Lúc này, những từ/cụm từ được nhập vào thanh tìm kiếm được xem là truy vấn (queries) và dựa vào dữ liệu truy vấn được tổng hợp, các nhà tiếp thị sẽ xác định được những từ khoá mục tiêu khai thác cho chiến dịch của mình.
Trong thực tế, thuật ngữ “truy vấn” và “từ khoá” dễ bị nhầm lẫn và thường được sử dụng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có sự khác biệt:
Truy vấn là những gì người dùng thực sự nhập. Từ khoá là những từ/cụm từ mà các nhà tiếp thị nhắm mục tiêu để khai thác dựa trên các phân tích và đánh giá các truy vấn.
Truy vấn người dùng có thể được nhập sai chính tả, không để dấu, lượng từ lớn,… Còn từ khoá thường là những từ ngắn gọn, đúng trọng tâm và mang về một giá trị tiếp thị nào đó.
Bạn có thể tiếp tục sử dụng hai thuật ngữ này cùng lúc, nhưng hiểu và nhận định rõ về sự khác biệt này sẽ giúp bạn thay đổi cách làm việc và lập chiến lược hiệu quả hơn với tư cách là một chuyên gia tiếp thị.
Tại sao nghiên cứu từ khoá lại quan trọng?
Nghiên cứu từ khoá giúp nhà tiếp thị tìm được những điều mà mọi người thường tìm kiếm để có thể tối ưu chiến dịch tiếp thị của mình một cách tốt nhất, dùng trong Google Ads hay làm SEO website chẳng hạn!
Khi từ khoá được nghiên cứu đầy đủ và kỹ lưỡng thì mới có thể tạo ra một chiến lược SEO khả thi. Với một chiến lược tốt, bạn dễ dàng lên ý tưởng và bắt tay thực hiện hiệu quả những nội dung có lượt tìm kiếm tốt, đưa website xuất hiện ở những thứ hạng cao trên Google SERPs, đem về lượng truy cập và chuyển đổi.
Ở trường hợp ngược lại, khi từ khoá được xác định không tốt, bạn sẽ tạo ra các nội dung về chủ đề mà không ai tìm kiếm – một vết lỗi mà nhiều nhà sở hữu website gặp phải, đây là nguyên nhân khiến hơn 90% trang không nhận được lưu lượng truy cập từ người dùng Google.
Khi nào cần nghiên cứu từ khoá?
Từ khoá chuẩn SEO góp phần trong đại đa số nhiệm vụ như: tối ưu hoá nội dung website, viết bài trên trang, SEO Onpage, xây dựng hệ thống liên kết (Link Building) và một số kỹ thuật SEO Offpage khác. Chính vì sự ảnh hưởng dây chuyền này mà nghiên cứu từ khoá sẽ được thực hiện trong giai đoạn đầu của một chiến dịch SEO.
Thông thường, bạn cần nghiên cứu từ khoá khi: bắt đầu khai thác một thị trường; tìm kiếm một ý tưởng hay viết một nội dung mới; bắt đầu khai thác thêm những thị trường ngách; cải thiện chỉ số Organic Search và Organic Traffic của trang;…
Những ai cần nghiên cứu từ khoá?
Những người cần thực hiện nghiên cứu từ khoá là: nhà phát triển website; chuyên viên SEO; chủ sở hữu trang web; blogger; người sản xuất nội dung (content creator, copywriter,…); nhà tiếp thị Digital (dù là trả phí hay không trả phí).
Nghiên cứu từ khoá như thế nào?
Google ngày càng thông minh hơn trong việc hiểu những gì mà người dùng tìm kiếm, sự chuyển biến công nghệ này kéo theo sự thay đổi trong cách thức làm SEO nói chung và cách nghiên cứu từ khoá nói riêng.
Và dù có thay đổi ra sao đi nữa thì mấu chốt để có được bộ từ khoá hoàn hảo chính là HIỂU RÕ THỊ TRƯỜNG MỤC TIÊU, bạn có thể đặt và trả lời một số câu hỏi như:
Người dùng Google quan tâm đến điều gì? Trong số đó, nhóm khách hàng mục tiêu của bạn đang hứng thú với chủ đề nào?
Có bao nhiêu người thực hiện tìm kiếm?
Người dùng mong muốn nhận được thông tin theo cách thức nào?
Đối thủ của bạn liệu có đang khai thác những từ/cụm từ này không? Độ cạnh tranh trên thị trường như thế nào?
…
Lên ý tưởng từ khoá
Những ý tưởng bắt đầu manh nha và dần phát triển thành một bộ từ khoá hoàn chỉnh!
Xác định các từ khoá “hạt giống” liên quan đến lĩnh vực của website
Từ khoá “hạt giống” (Seed Keyword) là những bước đi đầu tiên giúp nhà tiếp thị hoàn thành bộ từ khoá hoàn chỉnh. Ở phần này, LPTech muốn nhấn mạnh việc tìm kiếm các từ/cụm từ chủ đề có liên quan đến website hay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Có 2 góc độ để xác định được những “hạt giống đầu tiên” này:
Hiểu rõ doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm, dịch vụ gì. Đâu là chủ đề quan trọng cần được khai thác trên website?
Đặt mình vào vị trí người dùng đang có nhu cầu tìm kiếm thông tin, lúc này bạn sẽ có xu hướng nhập điều gì vào thanh tìm kiếm Google? Khách hàng muốn gì?
Từ bộ chủ đề hạt giống này, bạn sẽ phát triển thêm những từ/cụm từ có liên quan, có đuôi dài hơn mà bạn nghĩ rằng người dùng sẽ tìm kiếm.
Ví dụ: Với một công ty chuyên về lĩnh vực website và SEO Marketing. Lúc này, những cụm từ có liên quan mà người dùng có thể tìm kiếm chính là:
SEO là gì
Website là gì
Làm sao để SEO website hiệu quả
Công cụ hỗ trợ SEO
lập trình web
…
Đến trang web đối thủ và tìm hiểu xem những từ khoá nào đang được xếp hạng
Đánh giá đối thủ cạnh tranh là phương pháp thông minh để bạn nghiên cứu từ khoá. Khi bắt đầu gia nhập thị trường kinh doanh, chắc hẳn bạn đã có cho mình một danh sách đối thủ tiềm năng trong ngành. Giờ đây, hãy căn cứ vào đó để tìm kiếm và đánh giá website của họ.
Tips: Bạn có thể lên Google và gõ tìm những từ khoá “hạt giống” và xem những ai đang được xếp phía trên. Họ sẽ là đối thủ cạnh tranh của bạn trên SERPs đấy! Bên cạnh đó, để khai thác được từ khoá ở những website đối thủ, bạn cần đến những công cụ hỗ trợ phân tích để hoàn thành tốt hơn.
Sử dụng các công cụ để tìm ý tưởng từ khoá
Sử dụng công cụ tìm kiếm ý tưởng giúp nhà tiếp thị xác định chính xác hơn về những gì mà người dùng đang tìm kiếm. Mọi kết quả trả về đều dựa trên hành vi tìm kiếm mà người dùng đã thực hiện trên Search Engines.
Google Keyword Plannercó lẽ là công cụ tìm kiếm từ khóa nổi tiếng và thường được sử dụng nhất. Ngoài ra, còn rất nhiều công cụ được ứng dụng trong tìm kiếm ý tưởng từ khoá SEO như Ahreft, Semrush, Google Trends, Google suggestion,…
Đừng quên khai thác ý tưởng từ thị trường ngách
Khai thác tốt ý tưởng từ thị trường ngách sẽ mang đến lượng truy cập trang bất ngờ. Đây có thể xem là một “chiêu” rất hiệu quả của người làm SEO. Bằng việc khai thác được những từ khoá có lượng tìm kiếm tương đối và độ cạnh tranh thấp, trang web dễ dàng lên được top Google và thu hút được nhiều người đang có nhu cầu tìm kiếm thông tin.
Bạn có thể tìm kiếm ý tưởng từ thị trường ngách bằng cách tham gia vào các diễn đàn, đội nhóm xã hội để xác định điều gì đang được bàn tán hiện nay; trò chuyện với nhân viên kinh doanh hoặc khảo sát trực tiếp với khách hàng để xác định được những điều mà họ đang quan tâm.
Nghiên cứu, phân tích từ khóa
Sau khi phát thảo được những nét vẽ ban đầu, bạn cần đánh giá xem đâu là những chi tiết đắt giá cần được tận dụng và đâu là những nét dư thừa cần phải xoá đi. Nghiên cứu và phân tích giúp nhà tiếp thị chọn lọc được những từ khoá “tinh tuý” nhất!
Những căn cứ để phân tích từ khoá
Một số yếu tố cần xem xét để chọn được từ khoá phù hợp là:
Lưu lượng tìm kiếm trung bình mỗi tháng của từ khoá trên Search Engine (Search Volume). Sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khoá sẽ giúp bạn xác định được con số này. Và tất nhiên, những từ khoá có lượng volume cao bao giờ cũng “đắt giá” hơn.
Độ khó của từ khoá (Keyword Difficulty) đánh giá tương đối độ khó xếp hạng của từ khoá, yếu tố này thể hiện “sự khó nhằn” giữa các từ với nhau. Thông thường, từ khoá có lượng volume cao, mang về giá trị chuyển đổi tốt thì độ khó sẽ cao (cạnh tranh mà!). Vì vậy, với yếu tốt này, bạn nên xem xét lựa chọn dựa trên sự cân bằng các giá trị kinh doanh và hiệu quả làm SEO từ khoá.
Từ khoá thịnh hành, có yếu tố “bắt trend”sẽ đem về lượng truy cập trang rất cao, song song đó là tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi bạn kịp thời đáp ứng nhu cầu và sự quan tâm của người dùng. Đối với những dạng từ này, bạn càng nhanh thì càng lợi thế!
Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác để bạn nghiên cứu từ khoá như: độ dài từ khoá, tính chất từ khoá (thương hiệu, truy vấn, sản phẩm/dịch vụ,…), chi phí giá nhấp chuột (CPC),…
Các công cụ nghiên cứu từ khoá
Bên cạnh kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn, sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ nghiên cứu từ khoá sẽ giúp người làm SEO tìm được bộ từ khoá hoàn chỉnh.
Có rất nhiều công cụ nghiên cứu từ khoá được cung cấp trên thị trường, có loại cần trả phí để sử dụng (Keywordtool.io, KWFinder, Ahref, Moz…) nhưng cũng có loại hoàn toàn miễn phí (Google Keyword Planner, Google Trends…). Mỗi công cụ có những thế mạnh riêng đòi hỏi người làm SEO cần biết tận dụng kết hợp và có chọn lọc những sự hỗ trợ này
Gom nhóm các từ khoá
Đến được bước này, bạn đã có một danh sách từ khoá gần như hoàn chỉnh!
Tuy vậy, chúng vẫn cần được sắp xếp để bạn có căn cứ phân bổ thời gian SEO từ khoá như thế nào mới hợp lý.
Nguyên tắc của việc gom nhóm từ khoá là:
Tìm ra các từ mang tính bao quát, liên quan và có khả năng đại diện cho những từ khác chi tiết hơn
Phân chia thành nhóm các từ khoá chi tiết. Lấy ví dụ trên: nhóm các từ khoá về website như thiết kế website, website là gì, lập trình web,… và nhóm SEO: SEO là gì?, công cụ SEO, tối ưu SEO website,…
Nếu lượng từ khoá lớn, hãy tiếp tục chia nhỏ các nhóm. Ngược lại, bạn có thể gộp chung theo tầng ý nghĩa khái quát hơn đối với nhóm nào có quá ít từ khoá.
Mục đích của việc phân chia và gom nhóm các từ khoá là giúp bạn dễ dàng phân bổ thời gian, theo dõi, quản lý và xây dựng nội dung cho từ khoá.
Sử dụng từ khoá
Nghiên cứu từ khoá đã xong và giờ là lúc tập trung đưa chúng lên Top Google. Bạn không nhất thiết phải đưa toàn bộ danh sách từ khoá của mình lên thứ hạng cao, điều này tuỳ thuộc vào mục tiêu chiến lược SEO của mỗi người.
Căn cứ vào nhóm các từ khoá đã chia ở giai đoạn trên, hãy tập trung đẩy mạnh nội dung, xây dựng liên kết cùng một số kỹ thuật SEO khác cho những từ khoá chủ chốt, đưa chúng lên top và mang về những tỷ lệ chuyển đổi mục tiêu cao.
Ngoài ra, khi tiến hành SEO từ khoá, bạn cũng nên thường xuyên theo dõi tình trạng, kiếm tra xếp hạng từ khoá trên SERPs để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp.