Việc làm SEO trang sản phẩm là cực kỳ quan trọng với những website giới thiệu bán hàng. Điều này càng đúng với những web thương mại điện tử, với một phần hoặc toàn bộ quá trình bán hàng thực hiện online.
Những bạn làm dịch vụ SEO thì rất rõ vấn đề này, vì thường xuyên phải tối ưu hóa cho khách hàng muốn bán sản phẩm, với nhiều chủng loại, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Công ty dịch vụ được trả tiền để đưa những trang sản phẩm này lên Top Google.
Thì cũng là SEO website thôi mà!
Vâng đúng vậy. Cho dù tối ưu cho trang sản phẩm hay trang khác thì cũng áp dụng nền tảng chung của tối ưu hóa website. Nhưng do đặc thù của các trang mô tả và chào bán sản phẩm có những chi tiết riêng, lại dễ bị trùng lặp nội dung, nên người làm SEO cần có những lưu ý nhất định khi áp dụng.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ nêu rõ những kỹ thuật SEO trang sản phẩm hữu hình, cụ thể.
Để tránh bỏ sót, tôi vẫn trình bày những ý cần thiết của SEO cơ bản, nhưng sẽ chú thích những chỗ nên áp dụng bổ sung riêng cho trang sản phẩm để bạn tiện lưu ý.
NỘI DUNG CHÍNH
SEO trang sản phẩm là thế nào?
1. Chọn từ khóa phù hợp cho trang sản phẩm
2. Tối ưu URL
3. Tối ưu nhan đề trang (Title)
4. Tối ưu Meta Description
5. Các thẻ tiêu đề (Heading)
6. Nội dung mô tả sản phẩm
7. Tối ưu hóa hình ảnh & video
8. Thêm phần đánh giá của người dùng
9. Thêm Schema Markup cho trang sản phẩm
10. Làm nổi bật phần kêu gọi hành động (Call to Action)
11. Thêm phần chia sẻ trên các mạng xã hội
12. Chào bán những sản phẩm tương tự
Tóm lược
Trước hết tôi giải thích chi tiết hơn về mục đích bài viết này.
SEO trang sản phẩm là thế nào?
Là việc áp dụng các kỹ thuật SEO để tối ưu hóa cho trang giới thiệu và chào bán 1 sản phẩm cụ thể.
Trang sản phẩm là trang giới thiệu chi tiết về 1 sản phẩm nào đó, trong đó sẽ gồm những thông tin quan trọng như:
Tên sản phẩm,
Giá bán,
Tính năng,
Thông số kỹ thuật,
Đánh giá của người dùng…
Mục đích chính của trang này thường là để chào bán chính sản phẩm đó, và có thể giới thiệu thêm một số mặt hàng liên quan.
Ví dụ với 1 trang web như hình dưới đây:
Nhìn vào là chúng ta thấy ngay trang đó giới thiệu và chào bán sản phẩm đồ chơi trẻ em, với những thông tin rất chi tiết, cụ thể.
Loại trang này dễ phân biệt với những trang webpage khác như: dịch vụ, bài viết, giới thiệu, liên hệ…
Nhưng có thể lại hơi dễ nhầm với trang Danh mục sản phẩm.
Trang danh mục liệt kê một nhóm các sản phẩm cùng loại hoặc tương tự nhau. Có người gọi là chuyên mục cũng được.
Trang danh mục sản phẩm gồm nhiều sản phẩm như thế này:
Cách làm SEO cho trang danh mục cũng có phần khác đi một chút (vì làm tối ưu cho 1 nhóm nhiều sản phẩm). Bài này tôi tập trung vào cách làm SEO cho trang chi tiết về 1 sản phẩm hữu hình cụ thể mà thôi.
Dưới đây là 12 bước cần thực hiện, có thể không cần theo tuần tự. Nếu phân loại, thì bạn sẽ thấy chúng chủ yếu thuộc nhóm Technical SEO và Onpage SEO.
1. Chọn từ khóa phù hợp cho trang sản phẩm
Mục đích của trang này là chào bán 1 sản phẩm cụ thể. Việc dễ thấy là chúng ta thường chọn tên sản phẩm chính là từ khóa của trang.
Mặc dù việc chỉ lựa chọn từ khóa như vậy cũng phù hợp. Tuy nhiên thực tế là sản phẩm thường đi kèm với một vài thông số như model, màu sắc… để phân biệt với mặt hàng tương tự. Do đó trong từ khóa sẽ thường là một cụm từ dài, trong đó sẽ gồm:
Tên sản phẩm + model + đặc tính nổi bật
Lấy ví dụ: bạn muốn tối ưu cho trang về 1 sản phẩm như hình dưới:
Với sản phẩm này, thì có thể dùng một số tên gọi như sau:
Quạt cây Panasonic F409KB
Quạt Panasonic F409KB dạng cây
Quạt đứng Panasonic F409KB
Để so sánh lựa chọn thì một trong những yếu tố quan trọng là xem số lượt tìm kiếm với từng từ khóa này thế nào, mức độ cạnh tranh ra sao, tên thông dụng của sản phẩm là gì… Từ đó chọn cụm từ phù hợp nhất để tập trung làm SEO cho trang sản phẩm của mình.
Nếu phân tích, thì phương án số 1 là từ khóa phù hợp nhất.
Mặc dù gần đây, Google đã không nội dung trong thẻ Meta Keywords là tiêu chí xếp hạng, nhưng việc xác định rõ cụm từ khóa cho từng trang là một thói quen tốt.
Từ khóa sẽ giúp bạn biết mình phải làm gì cho từng trang webpage. Mỗi trang sản phẩm tập trung cho cụm từ nào. Như vậy sau này có biên tập hoặc cập nhật lại, bạn sẽ biết rõ mình phải làm gì, sửa gì, mà không cần phải đoán.
>> Tìm hiểu thêm về kỹ thuật nghiên cứu từ khóa
2. Tối ưu URL
URL hiểu nôm na là đường dẫn, chính là dòng ký tự trên thanh địa chỉ của trình duyệt dẫn tới trang web.
Việc cần làm là tối ưu URL đó cho thân thiện với người dùng, chứ không phải là chuỗi ký tự vô nghĩa, chỉ để cho máy tính hiểu.
Trước hết, cần đưa cụm từ khóa về tên sản phẩm vào URL. Bạn có thể dùng tiếng Việt có dấu hoặc không có dấu. Phương án sau hiện đang phổ biến hơn.
Thứ hai, cần đảm bảo có thể đọc hiểu được URL, hiểu từng từ trên đó là tốt nhất. Điều này bạn có thể tự kiểm tra bằng trực giác.
Nếu chỉ nhìn URL đã có thể hiểu được nội dung trang sản phẩm là gì, thì nghĩa là đường dẫn này thân thiện, và như vậy có lợi cho SEO. Trong đó thường bao gồm cả tên miền, và tên các danh mục (category) hoặc danh mục con (sub-category), và tên sản phẩm.
Chẳng hạn, với URL dưới đây, bạn chỉ cần nhìn qua là biết về trang sản phẩm Quạt cây Panasonic F409KB. Rất đầy đủ & rõ ràng!
Ngược lại, nếu nhìn vào URL mà không hiểu gì, hoặc nếu có cũng chỉ đoán lờ mờ được nội dung của trang, thì nghĩa là đường dẫn đó chưa thân thiện.
Thử nhìn hình dưới đây, có thể nói URL chưa dễ hiểu, và cần được tối ưu. Mặc dù cùng là sản phẩm như trang Mediamart tôi nói phía trên, nhưng nhìn thì khó đoán chính xác nội dung trang là gì. Mặc dù có từ “panasonic”, nhưng thực ra chẳng ai biết cụ thể là sản phẩm gì của hãng này.
Cũng khá đơn giản, thử đọc URL là biết có cần phải sửa gì không.
Ngoài ra, bạn cũng cần tuân theo một số quy tắc khác khi tối ưu hóa URL:
Cấu trúc hợp lý nếu cần thể hiện thêm các thành phần như category, sub-category
Không nên sử dụng chữ cái viết HOA
Nếu cần phân cách các từ, hãy dùng dấu gạch ngang giữa dòng “-”, không dùng gạch ngang dưới chân “_”.
>> Tìm hiểu thêm cách tối ưu hóa URL
3. Tối ưu nhan đề trang (Title)
Tiếp theo là tối ưu hóa thẻ nhan đề của trang sản phẩm (có người gọi là Tiêu đề, tiếng Anh là Title). Đây là nội dung sẽ được hiển thị trên Tab của trình duyệt, và trên trang kết quả tìm kiếm.
Nhan đề trang cần mô tả được chính xác VÀ hấp dẫn tên của sản phẩm. Nghĩa là cần có 2 yếu tố:
Chứa từ khóa về tên và mã sản phẩm mà bạn đã lựa chọn ở bước đầu tiên, chẳng hạn như: “Quạt cây Mitsubishi LV16RP”
Bổ sung những cụm từ giúp tăng tính hấp dẫn để lôi cuốn người dùng, ví dụ: “hàng nhập chính hãng từ Nhật Bản”
Khi kết hợp 2 yếu tố này, bạn sẽ có được Title như sau:
“Quạt cây Mitsubishi LV16RP – hàng nhập chính hãng từ Nhật Bản”
Việc viết nhan đề không hề khó, nhưng viết hiệu quả thì cũng cần nhớ quy tắc và thực hành nhiều là sẽ làm tốt.
>> Tìm hiểu thêm về cách viết và tối Title cho trang
4. Tối ưu Meta Description
Nội dung thẻ Meta Description sẽ được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm của Google như hình dưới. Thẻ này đặt trong thẻ
của mã nguồn.Trong khi nhan đề là cụm từ ngắn về sản phẩm, thì nội dung thẻ Meta Description chính là phần mô tả thêm, nhưng vẫn đủ ngắn gọn. Nghĩa là bạn có cơ hội thứ 2 để giới thiệu nhanh về sản phẩm mà mình đang chào bán trên trang.
Mặc dù có vai trò quan trọng, nhưng rất nhiều người không nhập nội dung cho 2 thẻ mô tả và nhan đề. Chủ yếu là do tâm lý ngại tỉ mỉ, và nội dung 2 thẻ này lại không hiển thị ngay trên trang.
Một số điểm cần lưu ý:
Độ dài đoạn mô tả: khoảng 150-160 ký tự (tối đa 300). Nếu giới thiệu dài quá, sẽ bị cắt bớt khi hiển thị trên trang kết quả Google, và người dùng cũng không muốn đọc dài khi xem lướt giới thiệu tóm tắt.
Nội dung thẻ Meta Description: phải chứa từ khóa (nêu ở bước 1), kèm theo những đặc tính và những lợi ích nổi trội của sản phẩm, cùng với những từ ngữ mang tính lôi cuốn, hấp dẫn để kích thích người dùng vào xem trang.
>> Tìm hiểu thêm về cách viết và tối ưu thẻ Meta Description
5. Các thẻ tiêu đề (Heading)
Các thẻ này sẽ là khung nội dung của trang, từ H1 đến H6. Thông thường chỉ hay sử dụng H1, H2, H3, và thỉnh thoảng đến H4, ít khi dùng H5, H6.
Với trang sản phẩm, nội dung thẻ H1 nên là từ khóa tên sản phẩm.
Thẻ H2 là những ý chính về sản phẩm mà người dùng quan tâm. Trong số đó thường là:
Tính năng nổi bật của sản phẩm
Thông số kỹ thuật
Đánh giá của người dùng
Các sản phẩm tương tự
Trong mỗi nội dung của H2, nếu phù hợp, thì lại phân thành những nội dung phụ và để trong thẻ H3. Ví dụ: trong mục “Các sản phẩm tương tự” thì lại đặt tên các sản phẩm đó trong thẻ H3.
Việc sử dụng các thẻ tiêu đề như trên giúp người dùng dễ đọc lướt, đồng thời cũng làm cho Google dễ thu thập thông tin cần thiết về trang của bạn.
Bạn cũng nên đưa từ khóa vào các thẻ Heading, nhưng nên để tự nhiên chứ đừng lặp lại quá nhiều.
>> Tìm hiểu thêm về cách viết và tối ưu thẻ Heading
6. Nội dung mô tả sản phẩm
Đây là mô tả cho người dùng đọc trên trang, thường để ngay dưới dòng tên sản phẩm, và bổ sung thêm ở những vị trí phù hợp. Lưu ý: trang có nhiều văn bản (text) hữu ích thì có lợi hơn cho SEO.
Đây mới chính là phần “da thịt” bồi đắp xung quanh phần “xương” là các thẻ Heading nêu ở bước trên.
Nội dung về sản phẩm mới thực sự là thứ mà người dùng quan tâm nhất. Họ đang tìm chọn mua sản phẩm thì rất muốn biết sản phẩm đó như thế nào, có gì hấp dẫn hay ưu việt không, có gì độc đáo nổi trội so với sản phẩm khác, giá cả có hợp lý vừa với túi tiền của mình hay không…
Hầu như tất cả những thắc mắc đó cần được giải đáp trong phần nội dung, bao gồm cả hình ảnh hay video (trong bước kế tiếp).
Đây là bước mà người làm nội dung (content) phát huy hết năng lực của mình. Bạn viết sao cho chính xác về thông tin, nhưng vẫn phải dễ đọc, và hấp dẫn. Đồng thời vẫn cần đảm bảo nội dung viết ra phải tuân theo những quy tắc nhất định để Google có thể hiểu và xếp hạng. Những yếu tố đó gọi là viết sao cho chuẩn SEO.
7. Tối ưu hóa hình ảnh & video
Bạn có muốn xem 1 trang về sản phẩm hữu hình nào đó mà không thấy có hình ảnh, hoặc có nhưng ảnh không đẹp?
Tôi chắc là không. Và khách hàng cũng như vậy.
Vậy thì một trong những tiêu chí quan trọng là: phải đăng hình ảnh đẹp về sản phẩm. Nếu mặt hàng có nhiều màu để lựa chọn, thì cũng nên có ảnh riêng cho từng màu. Tất nhiên ảnh phải đúng với mặt hàng trên thực tế, màu sắc càng thật càng tốt, tránh bị mang tiếng là “xạo” khi khách hàng nhận xét (bước dưới).
Ảnh cũng cần có thêm chức năng phóng to để nhìn chi tiết cho rõ (Phần này liên quan đến lập trình web nhiều hơn là SEO).
Mỗi ảnh đều cần điền đầy đủ nội dung cho thuộc tính Alt (điều này rất quan trọng). Nội dung trong Alt sẽ giúp Google nhận diện nội dung của hình được dễ dàng hơn. Và vì lý do nào đó, việc load ảnh trục trặc, thì trình duyệt sẽ hiển thị dòng nội dung trong thẻ “Alt” thay vì 1 dòng báo lỗi.
>> Tìm hiểu chi tiết về SEO hình ảnh tại đây
Nếu điều kiện cho phép, và với sản phẩm đặc thù phù hợp, bạn có thể đưa thêm Video Clip để giới thiệu minh họa cho sản phẩm của mình. Điều này càng làm tăng tính chuyên nghiệp, và càng được Google đánh giá cao.
8. Thêm phần nhận xét đánh giá & chấm điểm của người dùng
Người mua hàng giờ rất quan tâm đến ý kiến đánh giá của người khác, nhất là từ những khách hàng đã mua và sử dụng mặt hàng đó.
Thực lòng thì cá nhân tôi khi tìm mua hàng online cũng vậy. Tôi sẽ xem nhiều website, nhiều thông tin, và sẽ để ý nhiều đến việc sản phẩm được người dùng đánh giá và cho điểm thế nào.
Rõ ràng trang nào được nhiều đánh giá, và số điểm bình quân cao, thì sẽ được để ý hơn. Nếu giá cả hợp lý, thì điểm số xếp hạng cao là 1 trong những tiêu chí quan trọng dẫn tới việc tôi liên hệ để đặt mua hàng, hoặc hỏi thêm thông tin.
Trong ví dụ ở hình dưới, sản phẩm này có đến 250 đánh giá, với điểm trung bình 4.5/5. Đây là tín hiệu tốt về sản phẩm và website bán hàng, nếu những yếu tố khác ở mức bình thường.
Nếu tôi đang tìm mua mặt hàng này, nhìn vào điểm số và đánh giá, nhiều khả năng tôi sẽ chọn nhà cung cấp mà tôi đang xem.
Đó là khi xem trên trang: đánh giá tốt giúp tăng chuyển đổi mua hàng.
Và quan trọng không kém, phần đánh giá cho điểm này còn có thể được hiển thị trên kết quả Google (hình dưới). Sự xuất hiện của yếu tố này (gọi là Rich Snippet) sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn và tin cậy để kéo người dùng vào web. Nghĩa là tăng tỉ lệ vào trang.
Như vậy việc tích hợp module đánh giá và cho điểm vào trang sản phẩm đem lại 2 lợi ích chính:
Tăng tính hấp dẫn, lôi kéo người tìm kiếm vào trang (tăng tỉ lệ nhấp chuột – CTR)
Tăng độ tin cậy, nếu điểm số cao và nhận xét tích cực, giúp khách yên tâm và liên hệ đặt mua hàng nhiều hơn (tăng tỉ lệ chuyển đổi – Conversion Rate).
Lợi ích là như vậy, nhưng bạn cũng cần lưu ý việc quản trị những phản hồi của khách hàng. Họ có thể đánh giá tốt khi vui vẻ, thì khi không hài lòng cũng có thể nhận xét tiêu cực và cho điểm thấp. Vì vậy, cần có chiến lược tổng thể trong việc quản trị phản hồi khách hàng trên tất cả các kênh website, mạng xã hội, email… để đảm bảo tận dụng hiệu quả marketing online.
Một số kinh nghiệm từ các công ty bán hàng trực tuyến mà bạn có thể tham khảo:
Luôn trả lời sớm những phản hồi của khách hàng, dù họ có nhận xét thế nào
Có kế hoạch sẵn sàng cho những nhận xét tiêu cực, đi kèm với điểm thấp
Kết hợp đồng bộ với những kênh marketing online khác: email, mạng xã hội…
9. Thêm Schema Markup cho sản phẩm
Schema Markup là đoạn mã về dữ liệu có cấu trúc, được đưa vào phần mã nguồn của trang web, nhằm giúp Google dễ dàng hiểu được nội dung của trang.
Schema Markup có nhiều loại, áp dụng phù hợp với những loại trang khác nhau (bài viết, tổ chức, sản phẩm…), tiêu biểu như hình dưới.
Với trang sản phẩm, thì có riêng mẫu Product như tôi đánh dấu màu đỏ, để bạn chọn và ứng dụng. Bạn có thể xem thêm hướng dẫn của Google tại đây, tạo và kiểm tra Schema Markup Code tại đây.
Sau khi đã tạo và kiểm tra, bạn chỉ việc đưa đoạn code đó vào trong thẻ
của trang web là xong. Khi đó, Google sẽ đọc và hiểu được các thông tin có trong đoạn mã đó nhanh chóng. Nhờ vậy trang web của bạn được xem là thân thiện hơn (chính là mục đích của việc làm SEO).>> Tìm hiểu thêm và cách sử dụng Schema Markup trong SEO
10. Làm nổi bật phần kêu gọi hành động (Call to Action – CTA)
Thông thường, bạn biên soạn và trình bày các thông tin hữu ích về sản phẩm là để thu hút sự quan tâm và thích thú của khách hàng tiềm năng.
Vậy khi họ thấy thích sản phẩm rồi thì bạn muốn họ làm gì sau đó?
Rõ ràng không phải là đi sang web khác, hoặc phải suy nghĩ xem nên làm gì? Nếu vậy, họ sẽ quên ngay lý do và chẳng buồn suy nghĩ tiếp làm gì (người dùng vốn lười biếng mà!).
Cách hay nhất là hãy thúc giục họ làm điều bạn mong muốn: đặt hàng, điền form, liên hệ hỏi báo giá… bất cứ điều gì liên quan đến việc bán hàng.
Nói cách khác, hãy làm cho lời kêu gọi thật nổi bật. Ví dụ: bố trí nút “Đặt hàng” màu sắc nổi bật, font chữ lớn, ở vị trí dễ tìm, lặp lại vài lần nếu phù hợp.
Như trong hình dưới đây, phần kêu gọi mua hàng chiếm gần 1/4 ảnh. Rất nổi bật phải không?
11. Thêm phần chia sẻ trên các mạng xã hội
Người dùng muốn chia sẻ nhiều thông tin với bạn bè. Khi họ thấy 1 sản phẩm hay, rất có thể họ tâm đắc và muốn giới thiệu đến bạn bè, hoặc chỉ đơn giản là đưa lên tường trang Facebook của mình.
Khi đó, trang web cần tích hợp sẵn công cụ giúp người dùng có thể chia sẻ nhanh trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, hay ở nước ngoài là cả Twitter, Pinterest.
12. Chào bán những sản phẩm tương tự
Đây là kỹ thuật bán hàng chéo (Cross-sell). Ngoài mặt hàng hiện tại, website còn giới thiệu đến khách tham quan những mặt hàng tương tự, hoặc những mặt hàng liên quan mà người dùng thường quan tâm theo bộ.
Chẳng hạn như trong hình trên, nếu bạn đang xem trang sản phẩm quạt điều hòa Midea mã AC120-16AR, thì phần dưới gần chân trang sẽ giới thiệu các sản phẩm tương tự với model khác (vd: AC100-U) hoặc nhãn hiệu khác (Honeywell, Daikio…). Cũng có thể là những sản phẩm mà người tìm quạt điều hòa cũng quan tâm như: máy lạnh, tủ lạnh, máy lọc nước RO nóng lạnh…
Tóm lược
Những bước trên là ứng dụng SEO nền tảng thông thường về Technical hay OnPage. Tôi không nói về Offpage, vì cơ bản cũng giống như các loại trang khác khi làm Backlink hay Social Media.
Với trang sản phẩm, tôi chỉ muốn lưu ý lại một số ý quan trọng sau:
Tên và mã sản phẩm cần có trong từ khóa chính, cũng có nghĩa là phải được đưa vào URL, Title, Meta Description, Heading
Nội dung thẻ Meta Description cần bổ sung thêm thông số, tính năng nổi bật của sản phẩm
Nhận xét đánh giá về sản phẩm, và trải nghiệm của khách hàng về mua hàng tại cửa hàng của bạn
Sử dụng Schema Markup loại dành riêng cho sản phẩm (Product)
Đừng quên làm nổi bật lời kêu gọi đặt hàng, và hiển thị những sản phẩm tương tự hoặc liên quan để thực hiện cross-selling.
Trên đây là cách tôi đang làm. Còn bạn thì sao? Theo kinh nghiệm cá nhân, bạn thường làm SEO cho trang sản phẩm như thế nào?
Nếu bạn đã làm thì chia sẻ nhé. Còn nếu bạn không làm trực tiếp, mà muốn tìm đơn vị thiết kế website, hoặc làm SEO web tổng thể, hay chạy quảng cáo Google, thì liên hệ với chúng tôi.