Tự làm website nên dùng CMS nào?

Biết cách sử dụng trình tạo website sẽ giúp bạn có thể tự xây dựng 1 website cho mình, mà chỉ cần sử dụng những thao tác đơn giản.

Như vậy có thú vị không?

Tôi nghĩ là có. Thực sự như vậy. Mục đích của các chương trình này là để bạn không cần biết lập trình vẫn có thể tạo được website. Thậm chí ngay cả khi bạn chẳng hiểu những khái niệm này là gì: HTML, CSS và JavaScript, jQuery… thì vẫn làm được điều mình muốn.

Bài viết này sẽ giúp bạn tiếp cận với cách làm nhé. Bạn có thể đọc lần lượt hoặc nhấp vào nội dung mà mình quan tâm phía dưới.

NỘI DUNG CHÍNH

Trình tạo website là gì?
Các bước tạo website với web builder
Ưu nhược điểm chính của các website builder
Chi phí dùng web builder có cao không?
Nên sử dụng Website Builder hay thuê đơn vị thiết kế Web?
4 chương trình tạo website tốt nhất hiện nay

1. Sapo
2. Haravan
3. Wix
4. WordPress
Tổng kết

 Và giờ tôi đi vào từng nội dung chi tiết.

Trình tạo website là gì?

Trình tạo website trong tiếng Anh gọi là website builder, là nền tảng trực tuyến cho phép người dùng tạo ra 1 website đẹp và hoàn chỉnh mà chỉ cần dùng những thao tác đơn giản như: chọn mẫu, kéo thả, nhập text, lựa chọn hình ảnh để tải lên…

Những công việc khó khăn phức tạp khác như: thiết kế giao diện, lập trình mã nguồn, tạo các file phụ trợ như css hay javascript… đều đã được nhà cung cấp lập trình và tích hợp sẵn. Bạn chỉ cần lựa chọn và thao tác theo hướng dẫn là có thể tự tạo cho mình 1 website.

Ví dụ điển hình là công cụ web builder của các nhà cung cấp Sapo, Haravan… của Việt Nam, hay của nước ngoài như là Wix, WordPress, Sitesell…

Các bước tạo website với web builder

Đây là các bước chính bạn cần thực hiện khi sử dụng các nền tảng website builder. Tất nhiên mỗi nhà cung cấp có thể khác nhau. Ở đây tôi chỉ nêu khái quát để bạn dễ hình dung.

Bước 1: Đăng ký tài khoản người dùng

Thường là hoàn toàn miễn phí, cũng tương tự như bạn đăng ký 1 tài khoản Gmail mới vậy.

Bước 2: Lựa chọn giao diện

Trong số các giao diện mẫu (theme) có sẵn, bạn chọn mẫu nào phù hợp với nhu cầu của mình. Với 1 số trình tạo web (trừ Wix) bạn vẫn có thể thay đổi sau, nếu muốn.

Bước 3: Thêm các tính năng

Tới đây bạn cần thêm các nội dung cho website, chẳng hạn như: gian hàng, sản phẩm, bài viết, menu… Mỗi nhà cung cấp đều có hướng dẫn chi tiết. Việc của bạn là thực hiện theo. Về cơ bản là chi cần các thao tác đơn giản: lựa chọn, kéo thả, gõ bàn phím…

Đến bước này, về cơ bản bạn đã có 1 website miễn phí, sử dụng trong khoảng 2 tuần (Sapo, Haravan). Sau đó để tiếp tục sử dụng bạn cần chuyển sang gói trả phí (premium).

Bước 4: Thay đổi tên miền (nếu muốn)

Nếu để tìm hiểu thử nghiệm thì chỉ cần đến bước trên là có 1 website chạy trên subdomain của nhà cung cấp. Giờ nếu bạn muốn có domain riêng, thì có thể mua tên miền riêng của cùng nhà cung cấp web builder, hoặc mua của công ty chuyên cung cấp tên miền. Tìm hiểu thêm về cách kiểm tra tên miền và cách chọn mua tên miền.

Sau khi mua domain, bạn cài đặt vào web theo hướng dẫn của nhà cung cấp là xong. Bạn đã có xây dựng được 1 website hoàn chỉnh bằng trình tạo website.

Ưu nhược điểm chính của các website builder
Ưu điểm

Có thể nói, ưu điểm vượt trội của các công cụ này là cho phép người dùng chủ động tạo website, dù không biết lập trình.

Điều này có ý nghĩa rất lớn khi người dùng muốn tự làm web theo ý họ, trong khoảng thời gian khá ngắn (chẳng hạn vài ngày) mà không cần bận tâm đến những chuyện phức tạp của việc viết code cũng như những thứ lỉnh kỉnh đi kèm. Tất nhiên, nếu cần thì họ có thể (và nên) học thêm sau để bổ trợ thêm kỹ năng cần thiết.

Website đầu tiên mà tôi xây dựng là sử dụng 1 trình tạo website (của nước ngoài). Tôi làm theo hướng dẫn và hoàn tất trong vòng khoảng 1 tuần là xong, vì mỗi ngày chỉ bỏ 1 ít thời gian 1-2 giờ đồng hồ. Thực ra, với người tự viết website để làm marketing, thì cái khó nhất là tạo nội dung chất lượng chứ không chỉ làm sao để cho ra đời 1 trang web. Rất may là các website builder uy tín thường cũng hướng dẫn chi tiết cách làm nội dung. Nói chung là rất tiện lợi cho người mới làm quen.

Ưu điểm nữa là hệ thống được chăm sóc bảo trì thường xuyên và chuyên nghiệp. Nhà cung cấp làm như vậy theo trách nhiệm của họ, cũng chính là đảm bảo cho tất cả các khách hàng dùng hệ thống (chứ không chỉ riêng cho 1 mình bạn).

Trường hợp website của bạn gặp trục trặc thì cũng rất dễ gửi yêu cầu để được hỗ trợ. Thường thì bên cung cấp có bộ phận hỗ trợ khách hàng gần như 24/7. Bạn sẽ không bị rơi vào tình trạng web bị trục trặc mà không biết phải kêu với ai, hay phải chờ công ty thiết kế cũ (có thể giờ hơi thiếu nhiệt tình) bố trí nhân viên xem và sữa lỗi.

Nhược điểm thì sao?

Nhược điểm dễ thấy nhất là để dùng công cụ hữu hiệu này là phải trả chi phí hàng năm khá cao.

Với việc tự lập trình website theo cách thông thường bạn không phải trả phí gì ngoài khoản cơ bản để gia hạn domain, hosting, ssl. Tương tự, trường hợp thuê dịch vụ thiết kế website, thì bạn chỉ cần trả chi phí ban đầu 1 lần (phí dịch vụ), sau đó không cần trả phí hàng năm (ngoài phí thường niên cho domain, ssl, hosting).

Nhưng với web builder thì phải trả phí hàng năm để nhà cung cấp duy trì dịch vụ, và có thể nâng cấp các tính năng. Các khoản này vẫn sẽ cao hơn các phí duy trì (domain, ssl, hosting mà tôi nói ở trên). Điều này là hợp lý và các nhà cung cấp web builder phải duy trì hệ thống để bảo trì và nâng cấp, cùng với đảm bảo mức lợi nhuận của họ. Tôi sẽ chi tiết về mức chi phí ở phần riêng dưới đây.

Ngoài ra, nhược điểm tiếp theo xuất phát từ bản chất của hệ thống xây dựng để phục vụ số đông chứ không cho riêng khách hàng nào. Khả năng tùy biến và can thiệp sâu vào website sẽ bị hạn chế. Người dùng chỉ được thao tác trong phạm vi mà nhà cung cấp đã quy định sẵn (với người mới làm, thì cũng đã là quá đủ rồi). Bạn không thể đòi hỏi nhiều hơn, vì mỗi thay đổi sẽ ảnh hưởng đến website của các khách hàng khác trong cùng hệ thống.

Điều này tương tự như quần áo may sẵn. Khách hàng lựa chọn màu sắc, kích cỡ trong các sản phẩm có sẵn. Ai đó mong muốn tăng giảm kích thước, hoặc thay đổi màu sắc cho bộ đồ của mình thì điều đó là không thể. Nếu không tin, bạn thử ra cửa hàng May 10 và thử yêu cầu họ mà xem. Biết ngay thôi mà!

Còn vấn đề chi phí thì sao nhỉ!

Chi phí dùng web builder có cao không?

Câu trả lời của tôi là: Có, mức phí phải trả hàng năm thường cao hơn cách làm web khác.

Tôi thử tính toán cụ thể và so sánh chi phí thế này để bạn dễ hình dung nhé.

Chẳng hạn, với dịch vụ của Sapo, gói dịch vụ Sapo web có mức phí tối thiểu 299.000 đồng/tháng, còn gói Haravan Start có mức phí 300.000 đồng/tháng. Coi như bằng nhau.

Cả 2 có giá tương đương khoảng 3,6 triệu đồng/năm.

Trường hợp bạn dùng web thông thường (tự lập trình hoặc thuê dịch vụ), thì các phí bắt buộc hàng năm (tạm lấy theo giá của PAVietnam) gồm: hosting (430k), tên miền quốc tế .com (240k), ssl (220k). Tổng cộng xấp xỉ 900.000 đồng/năm.

Như vậy dùng dịch vụ của website builder của Việt Nam, mức phí cao hơn khoảng tầm gần 2,6tr/năm. Mức chênh lệch này sẽ cao hơn với các gói dịch vụ cao cấp hơn.

Tôi hoàn toàn không có ý nói rằng dùng website builder là bạn phải chịu chi phí đắt. Khoản chênh lệch thêm đó là cần thiết để là trả cho phần công sức mà các nhà cung cấp đã phải đầu tư để khách hàng có được sự tiện lợi: làm web mà không cần biết lập trình.

Vậy bạn nên chọn hướng nào…?

Nên sử dụng Website Builder hay thuê đơn vị thiết kế Web?

Tùy nhu cầu và khả năng cụ thể của bạn mà phương án nào sẽ phù hợp hơn với mình.

Cá nhân tôi đã từng dùng qua tất cả các phương án, từ web builder (sitesell.com) đến thuê công ty thiết kế web (là chỗ người quen và bạn bè), và sau đó là tự xây dựng web, và giờ cung cấp lại dịch vụ thiết kế web cho khách hàng tại Hải Phòng và các tỉnh thành toàn quốc. Mỗi phương án đều có cái hay riêng. Và tôi cũng cảm nhận khá rõ ưu nhược điểm mỗi cách làm (như đã trình bày ở trên).

Vậy khi nào thì nên dùng web builder?

Khi bạn muốn tự dựng website cho mình bằng các thao tác đơn giản như kéo thả, chọn giao diện, thay đổi màu sắc kích thước… Đồng thời mong muốn có thể tự điều chỉnh ít nhiều, bất cứ khi nào mình muốn, các chi tiết mà mình đã thực hiện trên website. Trường hợp của tôi trước đây: rất muốn học hỏi để tự làm, nên tôi không ngại xem hướng dẫn và thực hiện các thao tác.
Sẵn sàng dùng 1 khoảng thời gian nhất định để làm quen 1 lĩnh vực mới, học thêm cách làm, theo hướng dẫn của nhà cung cấp trong quá trình thực hiện các bước tạo website. Tôi viết web đầu tiên hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên mất khá nhiều thời gian, nhưng thực sự không hề thấy ngại. Giờ có các trình dựng web bằng tiếng Việt thì thời gian tiếp cận làm quen và sử dụng cũng giảm nhiều.
Có kỹ năng cơ bản về máy tính và internet, và tất nhiên phải có cả máy tính kết nối với mạng toàn cầu. Những tiêu chí này giờ không hề khó với hầu hết chúng ta, nên tôi chỉ nêu ra cho đầy đủ nội dung.

Còn khi nào thì nên thuê đơn vị thiết kế web?

Khi bạn không muốn tự mình làm chi tiết mà chỉ nêu ý tưởng để một bên thứ 3 thực hiện toàn bộ việc thiết kế và phát triển web theo ý bạn. Cách này phù hợp với các chủ doanh nghiệp không có nhiều thời gian và cũng không muốn phải xem hướng dẫn để chọn từng mẫu giao diện, chỉnh sửa kích thước, nhập thông tin hàng hóa…
Bạn cần làm website khó, thiết kế giao diện theo phong cách và tính năng riêng (kiểu như hàng may đo), mà các trình tạo website không thể đáp ứng được. Ví dụ điển hình là các website cần tích hợp các phần mềm quản lý chuyên ngành, hay các sàn thương mại điện tử. Công ty tôi trước đây muốn phát triển sàn giao dịch và đánh giá xe hơi, nên đã thuê 1 công ty có kinh nghiệm lâu năm để phát triển sàn xe hơi Carly.vn. Các web builder chắc chắn không thực hiện được yêu cầu này (họ không muốn phục vụ nhu cầu đơn lẻ).
Bạn không muốn trả phí hàng năm cao quá, mà chỉ muốn trả 1 lần khi xây dựng web. Chỗ này cần lưu ý: bạn vẫn phải trả các phí duy trì như phí thuê hosting, tên miền, chứng chỉ SSL… nhưng số tiền này không cao, như trên tôi đã liệt kê chỉ khoảng trên dưới 1-2 triệu đồng/năm tùy theo gói dịch vụ cụ thể.

Tóm lại, nếu bạn muốn tự làm những trang web phổ thông (kiểu blog, giới thiệu công ty, cửa hàng đơn thuần…) và không ngại trả phí hàng năm cao hơn 1 chút, thì sử dụng web builder.

Còn khi bạn không muốn trực tiếp làm, mà muốn ai đó làm để bạn duyệt thì nên thuê công ty thiết kế website chuyên nghiệp. Trường hợp website của bạn đặc thù, ít trùng lặp với website, thì cũng cần thuê dịch vụ thiết kế riêng để “may đo” cho bạn.

Nếu bạn muốn tự làm, thì tham khảo tiếp…

4 chương trình tạo website tốt nhất hiện nay

Nếu website bán hàng đơn thuần tiếng Việt, thì nên chọn Sapo hoặc Haravan. Còn với website tiếng Anh thì bạn nên dùng Wix hoặc WordPress.

Kể cả khi bạn không biết cách lập trình, thì bạn vẫn có thể tạo cho mình 1 website chuyên nghiệp chỉ trong vài ngày, khi dùng các công cụ trên. Nếu ai đó có kỹ năng máy tính tốt và tập trung cao, thì có thể chỉ cần trong 1 ngày là xong.

Dưới đây là phần đánh giá sơ bộ từng công cụ để bạn tham khảo khi lựa chọn.

Sapo

Đây là một trong những nền tảng xây dựng web bán hàng, có quy mô khách hàng lớn nhất của Việt Nam, Ra đời từ năm 2008, mua lại Bizweb năm 2016, và đến nay họ tuyên bố đã có trên 67.000 khách hàng.

Ưu điểm:

Khá dễ sử dụng với hướng dẫn rõ ràng và thao tác đơn giản
Kho giao diện khá đa dạng với gần 500 mẫu web đẹp, được cập nhật thường xuyên
Kho ứng dụng có nhiều ứng dụng hữu ích về marketing, bán hàng, quản lý và chăm sóc khách hàng, thanh toán…
Kết hợp cổng vận chuyển Sapo Express kết nối với một số đơn vị vận chuyển uy tín có hỗ trợ giá ship cho khách hàng Sapo
Kết hợp với các kênh bán hàng khách như Shopee, Lazada, hay Facebook…

Dùng thử Sapo

Nhược điểm:

Gói miễn phí chỉ có hiệu lực trong 15 ngày. Sau đó, bạn phải trả phí nếu muốn dùng tiếp
Haravan

Haravan là một website builder khác của Việt Nam, hướng theo mục tiêu ai cũng có thể làm website. Hiện nền tảng này cho phép người dùng tạo web miễn phí để trải nghiệm. Giải pháp của Haravan rất hữu hiệu với các website bán hàng, trong đó tích hợp chức năng như gian hàng, sản phẩm…

Ưu điểm:

Tích hợp đầy đủ các tính năng cần thiết cho doanh nghiệp: đặt mua hàng, cổng thanh toán trực tuyến, quản lý đơn hàng, vận chuyển, giải pháp marketing…
Kết nối trực tiếp với các đơn vị vận chuyển để giao hàng và thu tiền thanh toán.
Có lựa chọn kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki… giúp bạn triển khai giải pháp bán hàng đa kênh được thuận tiện.

Dùng thử Haravan

Nhược điểm:

Cũng chỉ miễn phí 15 ngày
Wix

Wix là trình dựng website lớn nhất trên thế giới. Ra đời từ năm 2006, đến nay Wix đã có hơn 125 triệu người dùng ở 200 quốc gia trên toàn cầu.

Wix rất phù hợp cho người mới bắt đầu làm web. Thậm chí bạn có thể chưa từng biết 1 dòng code nào, vẫn có thể tạo ra 1 website hoàn chỉnh với nền tảng này.

Web builder này hướng tới việc cho phép người dùng tạo ra website đúng như ý muốn. Với trên 500 mẫu giao diện, hàng trăm các khối dựng sẵn (pre-made blocks), các gallery, button… để đáp ứng việc đăng tải các nội dung dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh, video… lên website. Tất nhiên giao diện cũng rất đẹp và chuyên nghiệp, có sẵn để cho bạn lựa chọn.

Ưu điểm:

Cách thực hiện khá đơn giản, cơ bản chỉ cần thao tác kéo thả.
Cập nhật thường xuyên, đem lại cho người dùng nhiều tính năng hữu ích mới, gần như hàng tháng
Hỗ trợ tốt, với nhiều công cụ hữu ích giúp bạn thiết kế website

Nhược điểm:

Nhược điểm lớn nhất của Wix là bạn không thay đổi được giao diện sau khi đã chọn (quả thật bất tiện).
Với bản miễn phí, trên web của bạn luôn có logo của Wix (sẽ bỏ đi nếu bạn dùng gói Premium). Gói miễn phí có nhiều điểm hạn chế như: hiển thị nhiều quảng cáo, không hỗ trợ tên miền riêng, không cho dùng nhiều tính năng quan trọng. Trong khi đó, gói trả phí lại khá đắt và phải dùng mức 8,5 usd/tháng trở lên mới không có logo của Wix.
Không nhiều ứng dụng hỗ trợ, nếu so với WordPress.
Wordpress

Mọi người biết nhiều đến tên gọi này như trình ứng dụng viết blog. Và đúng là như vậy, WordPress khởi đầu là 1 nền tảng chuyên dụng hỗ trợ cho người dùng tạo blog.

Thực tế, WordPress đã phát triển hệ quản trị nội dung (CMS) mã nguồn mở, cùng nền tảng cho phép người dùng tự xây dựng website theo ý mình. Đến cuối năm 2020, theo tổng hợp của Kinsta, WordPress đã chiếm 63% thị phần CMS mã nguồn mở, và 37% tổng số website trên toàn thế giới. Thử hình dung thế này, có trên ⅓ website trên toàn cầu dùng CMS của WordPress thì biết mức độ phổ biến của hệ quản trị này thế nào.

Ngoài CMS, WordPress còn là 1 trình tạo web ngày càng được ưa chuộng.

Điểm mạnh của nền tảng website builder của WordPress nằm ở khả năng tùy biến tốt với giao diện mẫu (theme) và các plugin rất đa dạng, dễ cài đặt và sử dụng, đồng thời cũng thân thiện với các công cụ tìm kiếm. Ngoài ra cộng đồng sử dụng WordPress cũng rất đông đảo, sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kịp thời cho người dùng.

Ưu điểm:

Miễn phí trọn đời cho gói website cơ bản
Gồm cả hosting cho web miễn phí
Có bản tiếng Việt
Dễ dàng tiếp cận và học cách sử dụng WordPress CMS

Nhược điểm:

Khá khó tìm chỗ để đăng ký miễn phí (tôi để đường link tại đây)
Tùy biến các trang cũng khá khó khăn
Thêm các plugin khá tốn chi phí

————-

Tổng kết

Trong bài này tôi đã giải thích khái niệm trình tạo website, cách sử dụng thế nào, cũng như ưu nhược điểm với người dùng. Ngoài ra tôi đã giới thiệu 4 trong số những trình tạo website phổ biến của quốc tế cũng như của Việt Nam hiện nay.

Nếu bạn không biết lập trình web nhưng vẫn muốn tự tạo website cho mình, thì rõ ràng những web builder như Sapo, Haravan, Wix, WordPress là lựa chọn phù hợp.

Còn nếu bạn muốn giao hết cho 1 đơn vị uy tín thì có thể sử dụng dịch vụ thiết kế website của Carly chúng tôi. Liên hệ ngay hotline để được tư vấn nhé:

Hotline: 094 456 1874

Đánh giá post