Người làm SEO cần hiểu từ khóa LSI là gì, cũng như cách ứng dụng cho hiệu quả cho các chiến dịch SEO và marketing online.
Nội dung là vua, link là hoàng hậu. Nhiều người nói như vậy.
Vậy thì, từ khóa có vai trò quan trọng như tể tướng vậy (câu này tôi tự nghĩ ra). LSI keywords là một dạng của từ khóa đó. Bài này liên quan đến viết nội dung (content) và nghiên cứu lựa chọn từ khóa cho từng bài viết.
Trước đây, Google và các công cụ tìm kiếm khác xác định chủ đề của trang web dựa gần như hoàn toàn vào các từ khóa có mặt trên trang. Mật độ từ khóa do đó rất quan trọng, thường lặp lại càng nhiều càng có lợi cho SEO. Chính vì vậy, nhiều người đã lạm dụng và cố nhồi nhét từ khóa chính vào trang, đọc có khi thấy khá thô thiển.
Nhưng đến nay, các SE thông minh hơn nhiều và đã có thể xử lý khá triệt để vấn nạn spam từ khóa. Do đó, việc sử dụng từ khóa chính lặp lại nhiều lần không còn tác dụng với SE nữa. Thậm chí các thuật toán mới còn phạt các website vi phạm lỗi này.
Nếu tìm hiểu, bạn sẽ thấy mục tiêu quan trọng của Google là xác định chủ đề tổng thể của toàn trang (từ đó đưa vào trang kết quả khi người dùng tìm kiếm). Do đó, việc sử dụng các từ khóa chính và phụ (chứa từ khóa chính) vẫn cần thiết, miễn là dùng đúng và hợp lý.
Chẳng hạn, bạn có 1 trang về từ khóa “Phú Quốc”, làm thế nào Google nhận biết và phân biệt được trang đó nói về 1 địa danh du lịch, hay tên 1 loại nước mắm nổi tiếng, hay 1 giống chó quý của Việt Nam?
Google sẽ căn cứ vào từ khóa LSI, cụ thể:
Nếu trang của bạn có các từ ngữ như: “du lịch”, “cảnh đẹp”, “bãi biển”, “resort”, “tắm biển”… khả năng trang đó nói về địa danh du lịch đảo Phú Quốc;
Nếu trên trang có các từ ngữ như “chượp”, “cá cơm”, “nước chấm”, “món ăn”, “gia vị”, “truyền thống”, “thơm ngon”… thì trang đó đang đề cập tới nước mắm Phú Quốc – sản phẩm nước chấm nổi tiếng của Việt Nam.
Còn nếu có những từ như “đầu nhỏ”, “xoáy lông trên sống lưng”, “thuần chủng”, “dáng dũng mãnh”, “trung thành”… thì đây ắt hẳn là trang về giống chó có tên Phú Quốc. Không tin, bạn thử tìm cụm từ “giống cho có xoáy lông trên lưng” là đã thấy ngay được kết quả về giống chó này. Đó chính là cách Google sử dụng LSI.
Bạn hình dung được về khái niệm LSI rồi chứ? Và đó là nội dung chính của bài viết này.
NỘI DUNG CHÍNH
Từ khóa LSI là gì?
Tại sao từ khóa LSI lại quan trọng với SEO website?
Đặt từ khóa LSI vào vị trí nào?
Cách tìm từ khóa LSI hiệu quả
Dùng chức năng gợi ý của Google
Lấy thông tin từ “Searches Related to…”
Tìm trong trang kết quả tìm kiếm
Dùng Google Keyword Planner
Các thẻ trên Google Image
Dùng ứng dụng LSIKeywords.com, Ubersuggest
Kết luận
Giờ tôi sẽ thảo luận từng ý một nhé…
Từ khóa LSI là gì?
Từ khóa LSI là những từ liên quan về mặt ngữ nghĩa đến từ khóa chính. Đó là những từ thường đi cùng với từ khóa chính trong ngữ cảnh của chủ đề. Chẳng hạn, “du thuyền” và “tắm biển” là những từ khóa LSI của “Vịnh Hạ Long”.
LSI trong tiếng Anh là viết tắt của từ Latent Semantic Indexing, tạm dịch là “lập chỉ mục ngữ nghĩa ngầm”. Cụm từ này mô tả việc Google nhận biết và suy luận những cụm từ có ngữ nghĩa hàm chứa, có liên quan, và thường hay được sử dụng cùng với từ khóa chính, trong văn cảnh cụ thể.
Trong ví dụ trên, rõ ràng khi ai đó viết về du lịch Vịnh Hạ Long, thì thường hay đề cập đến những từ ngữ như “du thuyền”, “tắm biển”…
Cần phân biệt rõ từ khóa LSI không phải là từ đồng nghĩa (acronym). Để tôi lấy ví dụ cho dễ phân biệt nhé.
Với từ khóa chính là: du lịch
Từ đồng nghĩa (cùng nghĩa, không viết giống từ khóa chính): tham quan, nghỉ mát, chu du, lữ hành
Từ khóa mở rộng (dài hơn và có chứa từ khóa chính): du lịch giá rẻ, tham quan du lịch, du lịch hè…
Từ khóa LSI (chỉ liên quan về ngữ nghĩa với từ khóa chính): đặt vé máy bay, book tour, đặt phòng khách sạn, danh lam thắng cảnh, món ăn vặt, điểm chơi đêm…
Bạn thấy được sự khác nhau rồi chứ?
Rõ ràng tất cả các loại từ khóa tôi vừa nêu đều có tác dụng trong việc làm rõ chủ đề của trang. Khi Google quét nội dung và bắt gặp từ khóa chính một số lần, cùng với từ đồng nghĩa, và từ khóa LSI, chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn nội dung chính của bài viết là về lĩnh vực gì.
Tương tự, người dùng chắc hẳn cũng cảm nhận rõ hơn về điều này. Nội dung hợp lý xung quanh những cụm từ khóa chính, phụ, liên quan. Thực ra Google cũng chỉ đang tìm cách “bắt chước” cách hiểu nội dung trang web sao cho giống với cách con người chúng ta làm mà thôi.
Tại sao từ khóa LSI lại quan trọng với SEO website?
Như đã nói sơ qua trong phần đầu:
Sử dụng LSI keyword cùng với từ khóa chính sẽ giúp Google nhận biết rõ và nhanh chủ đề của trang web. Việc nhồi nhét từ khóa chính trước đây đã không còn tác dụng. Thuật toán Google Panda, và Hummingbird đã loại bỏ các website có nội dung chất lượng thấp ra khỏi danh sách ưu tiên.
Website của bạn có thêm truy vấn từ nhiều từ khóa hơn. Rất có thể người dùng tìm thấy bạn qua từ khóa LSI, chứ không phải là từ khóa chính (do tính cạnh tranh cao).
Tạo trải nghiệm tốt hơn cho người đọc, khi nội dung có đề cập đến những chi tiết và thuật ngữ có liên quan đến chủ đề chính.
Một khi bạn giúp Google hiểu nhanh hơn trang web, nghĩa là bạn đã làm SEO Onpage hiệu quả.
Đặt từ khóa LSI vào vị trí nào?
Đây là dạng từ khóa mang tính bổ trợ và giúp SE xác định nội dung chính trong bài. Do đó, bạn có thể đặt ở vị trí nào để nội dung tự nhiên, đừng để người xem thấy “phô” là được. Khi Google quét nội dung mà thấy có những từ này là ổn, bạn đã hoàn thành nhiệm vụ.
Các vị trí có thể đặt LSI keyword như:
Thẻ nhan đề trang
Thẻ meta description: số ký tự cho phép dài hơn, ngoài từ khóa chính, nên dùng kết hợp khéo léo thêm 1 hoặc 2 từ khóa LSI
Trong các thẻ tiêu đề H1, H2, H3…
Trong phần chữ thay thế của ảnh (thuộc tính alt=””): người dùng thường không nhìn thấy (trừ khi tải ảnh bị lỗi), nhưng rất có lợi cho SEO
Trong các link và anchor text: gia tăng thêm sự hiện diện của từ khóa loại này ở những vị trí nổi bật.
Trong nội dung chính của trang, nếu có thể thì nên sử dụng trong đoạn mở đầu và đoạn kết thúc
Ngoài ra, có thêm 3 cách khá hay để đưa từ khóa LSI vào bài viết của bạn (tôi tham khảo từ robpowellbizblog.com):
Dùng thêm mục “Tham khảo thêm”: tại đó đưa 3-5 đường link đến những bài viết chi tiết hơn của cùng chủ đề. Chắc chắn nhan đề những bài viết này cũng chưa những từ khóa dạng LSI. Mục này có thể để trong mỗi phần nội dung chính, để làm rõ hơn nội dung có liên quan, hoặc để cuối trang bài viết của bạn.
Dùng thêm mục “Bài viết liên quan” để liệt kê một số trang cùng chủ đề, và cũng có các LSI keywords trong nhan đề. Mục này nên để cuối trang, để tránh gây xao nhãng cho người dùng.
Nhúng một Tweet có liên quan vào trang. Cách này cũng giúp bổ sung các từ khóa liên quan. Tuy nhiên ở Việt Nam không sử dụng Twitter nhiều, cách này chưa chắc đã hiệu quả.
Tôi muốn lưu ý lại rằng, việc sử dụng LSI keyword cần khéo léo và đảm bảo mạch văn diễn ra một cách tự nhiên. Không cố nhồi nhét thật nhiều (xưa rồi!). Hãy hướng tới trải nghiệm của người đọc, lấy đó làm yếu tố quan trọng hàng đầu.
Oke, khi biết tác dụng và vị trí đặt LSI keywords rồi, giờ là lúc bàn đến các cách thức để tìm ra các từ khóa LSI một cách đầy đủ và hiệu quả nhất. Tôi sẽ trình bày từng cách một nhé.
Cách tìm từ khóa LSI hiệu quả
Dưới đây là một số cách thức dễ thực hiện mà tôi vẫn thường sử dụng. Nhiều trong số đó là do Google cung cấp miễn phí. Tôi tin rằng bạn chỉ cần đọc 1 lần là có thể áp dụng được ngay.
Do các cách khác nhau có thể cho những kết quả giống nhau, nên bạn chỉ cần dùng 2-3 công cụ 1 cách nhuần nhuyễn là được. Số còn lại chỉ cần tham khảo cho biết.
Dùng chức năng gợi ý của Google
Nếu để ý, bạn sẽ thấy khi gõ vào ô tìm kiếm, mặc dù chưa xong nhưng Google đã đưa ra 1 số gợi ý trong bảng thả xuống. Cách này khá hay, để người dùng định hướng và tham khảo những gì người khác đã tìm khi có liên quan đến từ vừa gõ.
Cái đó gọi là chức năng gợi ý (Suggest), hay tự động hoàn thành (Autocomplete) của Google.
Vậy áp dụng thế nào cho việc tìm từ khóa dạng LSI?
Đơn giản thôi, bạn hãy nhập từ khóa chính vào, và quan sát những lựa chọn mà Google gợi ý. Chẳng hạn, khi tôi nhập cụm từ khóa “kem chống nắng”.
Gợi ý của Google với từ khóa “Kem chống nắng”
Nhìn ô chữ nhật tôi đánh dấu màu cam, bạn sẽ thấy những cụm từ được bôi đậm đi liền với từ khóa chính, tạo thành những cụm từ khóa mở rộng. Người làm SEO nên để ý tới những cụm từ mở rộng để đưa vào nội dung bài, hoặc tạo những trang mới cho riêng từng cụm từ đó.
Ngoài ra, bản thân những từ trong ô chữ nhật đó những từ riêng biệt: la roche posay, cho da dầu, sunplay, vichy… đều liên quan đến từ khóa chính, trong ngữ cảnh đang nói về sản phẩm mỹ phẩm. Những người khác tìm kiếm “kem chống nắng” thường kèm theo những từ này. Đó chính là những từ khóa dạng LSI mà Google Autocomplete đã gợi ý cho bạn.
Khá nhanh và tiện phải không?
Lấy thông tin từ “Searches Related to…”
Đây là một công cụ khác của Google, cùng tương tự như Autocomplete mà tôi vừa nêu ở phần trên.
Công cụ “Searches Related to…” này đưa ra những thuật ngữ liên quan ở phần cuối trang kết quả tìm kiếm (SERP). Và bạn hoàn toàn có thể sử dụng những từ bôi đậm này làm LSI keywords cho bài viết của mình.
Gợi ý trong chức năng Searches related to… của Google
Tìm trong trang kết quả tìm kiếm
Nhìn vào thông tin trang kết quả tìm kiếm (SERP), bạn cũng có thể thấy được rất nhiều thông tin về LSI. Như phần dưới đây, chỉ trong 2 kết quả đầu tiên + 1 trang quảng cáo, tôi đã có thể thấy được ít nhất là 9 từ khó có liên quan đến “kem chống nắng”.
Từ khóa LSI xuất hiện trên trang SERP
Bạn hãy thử tìm, và quan sát những kết quả còn lại. Rất nhiều gợi ý về LSI keywords ở đó, phải vậy không?
Dùng Google Keyword Planner
GKP là 1 công cụ miễn phí nhưng rất mạnh dùng để nghiên cứu từ khóa. Cá nhân tôi cũng thường xuyên sử dụng (cùng với công cụ mất phí khác).
Chẳng hạn khi bạn gõ 1 từ khóa vào ô “Khám phá các từ khóa mới” (Keywords ideas), sẽ thấy Google liệt kê các thông số của từ vừa tìm. Đồng thời, phần phía dưới đó là rất nhiều những cụm từ liên quan.
Tôi thử check với “giày thể thao”, thấy kết quả thế này:
Google Keywords Planner cho Giầy thể thao nam
Nghiên cứu kỹ một chút, bạn sẽ thấy rất rất nhiều những thuật ngữ liên quan đến sản phẩm này, chẳng hạn như: sneaker việt nam, giày sneaker nam adidas, giày thể thao nữ tphcm, shop giày, mua giày sneaker nam… Đây cũng chính là những LSI keywords khá hay mà bạn có thể xem xét sử dụng ngay trong trang về “giày thể thao nam”, hoặc tạo trang riêng cho từng từ khóa.
Các thẻ trên Google Image
Khi tìm kiếm trên Google Image, bạn có thể phát hiện ra rất nhiều LSI keywords mà công cụ này gợi ý. Chẳng hạn khi tôi tìm ảnh “tủ bếp”, kết quả như sau:
Tìm Google Image cho từ khóa Tủ bếp
Trong các thẻ phía trên ảnh, bạn để ý thấy các cụm từ liên quan như: acrylic, thiết kế, mẫu melamine… không?
Đó chẳng phải là LSI là gì?
Điều thú vị là, khi tìm theo cách thông thường, thì Google Searches related to… lại gợi ý hơi khác đi. Cùng cho từ khóa “tủ bếp”, thì thấy như sau:
Rõ ràng 2 công cụ khác nhau và nên dùng bổ trợ để tìm được tối đa các từ khóa LSI.
Trên đây đều là những công cụ mà Google cung cấp miễn phí. Bạn cũng nên tìm kiếm sử dụng những công cụ khác.
Dùng ứng dụng LSIKeywords.com, Ubersuggest
Đây đều là các công cụ SEO miễn phí, và bạn có thể sử dụng ngay. Về chức năng, cơ bản là giống nhau, bạn có thể lựa 1 trong 2 là được.
Cách dùng cũng đơn giản như cách làm với các công cụ phía trên. Bạn chỉ cần nhập từ khóa chính vào ô tìm kiếm, rồi Enter là có kết quả.
Với LSIKeywords, chỉ cho các cụm từ LSI keywords tiếng Việt không dấu, nhưng cũng không vấn đề gì. Bạn tự thêm dấu vào khi viết nội dung là ổn. Lưu ý: không chạy theo SEO, mà cố tình dùng tiếng Việt không dấu, nhìn rất khó chịu (trải nghiệm không tốt với người dùng).
Tìm trên LSIKeywords.com cho Tủ bếp
Còn đây là kết quả khi dùng Ubersuggest.
Tìm LSI keywords từ Ubersuggest
Bạn nên thử các công cụ trên và cảm nhận tính hiệu quả. Từ đó lựa cho mình cái nào phù hợp nhất.
Kết luận
Người làm SEO không những nên hiểu rõ từ khóa LSI là gì, mà còn cần biết cách tìm ra những từ thật sự “đắt” để kết hợp sử dụng cùng với từ khóa chính. Như vậy vừa giúp Google dễ dàng hiểu chủ đề cũng như nội dung của trang, mà người đọc cũng tìm thấy thông tin đa dạng hơn.
Còn bạn thì sao? Bạn có thường tìm kiếm và sử dụng các LSI keywords trong quá trình viết nội dung cho chiến dịch marketing của mình không? Bạn thấy kết quả thế nào?