Quảng cáo google ads toàn tập

Hiểu rõ về quảng cáo Google Ads là một lợi thế cho những ai làm Marketing Online. Họ có thể chạy quảng cáo cho chính website của mình, hoặc cho khách hàng nếu họ làm dịch vụ đại lý.

Bài viết này tôi sẽ trình bày tất cả những nội dung có liên quan đến chủ đề quảng cáo trên hệ thống của Google. Bài viết khá dài, nên bạn chịu khó theo dõi nhé.

NỘI DUNG CHÍNH

Quảng cáo Google Ads là gì?
Google Ads hoạt động thế nào?
Chạy quảng cáo Google Ads là gì?
Các loại hình quảng cáo Google

1. Quảng cáo tìm kiếm (Google Search)
2. Quảng cáo mạng hiển thị (Display Network)
3. Quảng cáo tiếp thị lại (Remarketing)
4. Quảng cáo mua sắm (Google Shopping Ads)
5. Quảng cáo video (Video Ads)
6. Quảng cáo email (Gmail Ads)
7. Quảng cáo thông minh (Smart)
8. Quảng cáo ứng dụng toàn cầu (Apps)
Lợi ích của quảng cáo Google
Cách tính phí quảng cáo Google Ads

1. CPC – Cost Per Click
2. CPM – Cost Per thousand Impressions
3. CPA – Cost Per Action
Nên làm quảng cáo Google hay SEO website?
Cách chạy quảng cáo Google
Những lưu ý khi chạy quảng cáo Google Ads
Một số sai lầm cần tránh khi chạy Google Ads
Kết luận

Trước hết cần tìm hiểu nhanh một vài khái niệm cơ bản có liên quan đến chủ đề này…

Quảng cáo Google Ads là gì?

Google Ads là nền tảng quảng cáo trực tuyến của Google. Thông qua Google Ads, bạn có thể tạo quảng cáo online để tiếp cận mọi người tại thời điểm họ quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp.

Trước đây gọi là Google Adwords, cũng chính là việc chạy quảng cáo website trên Google.

Thông thường, người dùng tìm kiếm thông tin xoay quanh những từ khóa hoặc cụm từ khóa cụ thể, để giải quyết nhu cầu thông tin hay xử lý vấn đề của họ. Xét từ góc độ kinh doanh, bạn cần nghiên cứu tìm hiểu những mối quan tâm đó, và tìm ra những từ khóa trong lĩnh vực của bạn mà người dùng sẽ tìm kiếm.

Và khi người dùng tìm từ khóa mà bạn quảng cáo, họ sẽ thấy nội dung quảng cáo mà bạn đã thiết lập để hiển thị.

Mỗi khi người dùng thấy quảng cáo, được gọi là 1 lần hiển thị (impression), nếu thấy quan tâm hơn, họ sẽ nhấp chuột (click) vào để xem chi tiết. Từ đó sẽ dẫn sang trang web mà bạn đã chỉ định trước, gọi là trang đích (landing page).

Google đếm số lần click cũng như số lần quảng cáo hiển thị.

Nếu lấy số lần click chia cho tổng số lần hiển thị thì sẽ được tỷ lệ nhấp chuột – CTR (Click Through Rate). Đây là 1 trong những thông số quan trọng đánh giá hiệu quả của các mẫu quảng cáo cũng như của chiến dịch: tỉ lệ click càng cao tức nhiều người quan tâm xem chi tiết, nghĩa là càng hiệu quả.

Google Ads hoạt động thế nào?

Google là 1 tập đoàn công nghệ khổng lồ, và họ cũng tìm cách tối đa hóa doanh thu.

Vì vậy, họ sử dụng cơ chế đấu giá cho việc lựa chọn hiển thị quảng cáo. Các bên đấu giá với nhau cho các từ khóa mà mình quan tâm, để được lọt vào vị trí hiển thị quảng cáo. Về cơ bản, nếu giả định chất lượng như nhau, thì quảng cáo nào có giá trả cao sẽ được ưu tiên hiển thị.

Và khi thiết lập, bạn sẽ định ra mức giá tối đa mà bạn trả cho 1 lần click tương ứng với mỗi từ khóa (chẳng hạn 15.000 đồng/click). Đó tạm coi là giá trần (cao nhất). Google sẽ tối ưu hóa và chỉ tính mức phí cho mỗi lần click – CPC (Cost Per Click) sao cho không vượt quá mức tối đa đó. Tất nhiên, nếu bạn để mức giá thầu thấp quá thì có thể quảng cáo của bạn không đủ cạnh tranh và sẽ không được hiển thị (Google sẽ thông báo để bạn biết).

Mặc dù theo cơ chế đấu giá, thì người trả giá cao có lợi thế hơn. Tuy vậy, có một điểm cần lưu ý là người trả giá cao nhất không phải luôn giành phần thắng. Quảng cáo có giá cao nhất rất có thể lại có chất lượng rất tệ. Điều đó hoàn toàn không có lợi cho trải nghiệm từ người dùng (xem quảng cáo), và giảm khả năng họ muốn quay lại với Google.

Để tránh kịch bản bất lợi trên, Google dùng thuật toán để kết hợp giữa yếu tố giá tiền với yếu tố chất lượng nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Đây là công thức:

Chất lượng quảng cáo tốt + Giá thầu cao = Thắng thầu

Tất nhiên chấm điểm chi tiết thế nào thì chỉ Mr.G mới biết, chứ chúng ta thì chịu. Mà có lẽ cũng không cần đi sâu quá như vậy. Chỉ cần hiểu nguyên tắc đã có thể làm tốt và đem lại hiệu quả rồi.

Đến đây, tôi không thể không nói thêm điều này: những chỉ số nói trên cũng chưa có ý nghĩa nhiều, nếu không thực sự đem lại điều bạn mong muốn người xem quảng cáo thực hiện. Cái đó gọi là chuyển đổi (conversion). Chuyển đổi theo nghĩa phổ biến là chuyển thành công từ thông tin tiềm năng sang khách hàng thực sự.

Hiểu theo nghĩa rộng hơn, là cần làm cho người xem quảng cáo thực hiện 1 hành động nào đó mà bạn mong muốn. Hành động đó có thể là:

Gọi điện thoại
Điền form thông tin
Đăng ký nhận email
V.v…

Nhưng thông thường, tỷ lệ chuyển đổi được hiểu là bán được hàng hóa dịch vụ. Điều đó cũng dễ hiểu. Bạn phải trả tiền, có thể là khá nhiều tiền để chạy quảng cáo. Vậy nên, bạn sẽ quan tâm đến việc bán được hàng để thu hồi. Phải vậy không?!

Chạy quảng cáo Google Ads là thế nào?

Là các nghiệp vụ cần thiết để đưa 1 mẫu quảng cáo xuất hiện trên hệ thống hiển thị quảng cáo của gã khổng lồ công nghệ này, thường thấy nhất là trên trang kết quả tìm kiếm (SERP), hoặc trên các website có hợp tác chạy quảng cáo cho Google Adsense.

Vị trí quảng cáo xuất hiện trên đầu trang kết quả tìm kiếm

Và mục tiêu của việc chạy quảng cáo là làm sao cho nội dung quảng cáo được xuất hiện, ở vị trí càng cao càng có lợi, với chi phí càng thấp càng tiết kiệm.

Ngoài ra, nếu mới tiếp cận lĩnh vực này, bạn cũng nên làm quen thêm với những khái niệm như: Adrank (Thứ hạng quảng cáo), Click Through Rate (Tỉ lệ nhấp chuột – CTR), Landing Page (Trang đích), Daily budget (Ngân sách hàng ngày)… Tôi dành riêng trong bài viết về một số thuật ngữ thường gặp khi làm quảng cáo Google Ads để bạn tiện tìm hiểu.

Các loại hình quảng cáo Google

Khi trả tiền cho Google để đăng quảng cáo, chắc hẳn bạn sẽ muốn biết nội dung quảng cáo có thể được hiển thị như thế nào, và ở đâu? Nói cách khác, có những hình thức quảng cáo nào mà Google đang cung cấp.

Về cơ bản, hiện có 6 loại hình chính, tương ứng với 8 cách làm và vị trí hiển thị khác nhau. Bạn sẽ lựa chọn loại hình khi thiết lập chiến dịch quảng cáo của mình (như hình dưới).

Tôi sẽ giới thiệu lần lượt từng loại hình tiếp theo đây.

1. Quảng cáo tìm kiếm (Google Search):

Là loại hình mà nội dung quảng cáo xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm (SERP) của Google. Ai đó tìm từ khóa liên quan đến cụm từ bạn đã đăng ký, quảng cáo sẽ hiển thị trên trang kết quả để người dùng đó thấy.

Quảng cáo Google Search

Khu vực đó có tối đa 4 vị trí trên đầu (trên kết quả tự nhiên – SEO) và 3 vị trí dưới cùng của trang, để dành cho quảng cáo của các bên. Lưu ý đó là con số tối đa, vì sẽ có nhiều khi chúng ta không thấy hoặc chỉ thấy một vài quảng cáo. Nghĩa là, số lượng quảng cáo được hiển thị tùy thuộc vào cụm từ khóa tìm kiếm, số lượng người đang chạy quảng cáo cho từ khóa đó và những cụm từ có liên quan…

Bạn sẽ thấy trong quá trình làm, mẫu quảng cáo của bạn (và của những công ty khác) có được hiển thị hay không, và cụ thể ở vị trí nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giá thầu, điểm chất lượng quảng cáo, ngữ cảnh của cụm từ tìm kiếm… Google có thuật toán và công thức riêng để tính toán điểm vị trí này (gọi là Ad Rank).

2. Quảng cáo mạng hiển thị (Display Network):

Người dùng sẽ thấy nội dung quảng cáo được hiển thị trên 1 trang web nào đó (có hợp tác đặt quảng cáo với Google – gọi là Google Adsense). Chẳng hạn như trong hình dưới đây là website của VTC News có đặt nội dung quảng cáo mạng hiển thị.

Mẫu quảng cáo trên mạng hiển thị

Các hình thức của mạng hiển thị có dạng banner và thường gồm: văn bản, hình ảnh, text, video với nhiều kích thước khác nhau giúp cho khách hàng chú ý đến sản phẩm, và tăng độ nhận diện thương hiệu.

Người dùng nhấp chuột vào mẫu quảng cáo, Google sẽ tính tiền với người đăng.

3. Quảng cáo tiếp thị lại (Remarketing):

Loại hình này nhắm tới những người dùng đã từng truy cập vào trang web của bạn (họ đã ít nhiều quan tâm) hiển thị cho họ thấy quảng cáo khi họ duyệt web. Đó chính là ý nghĩa của từ “tiếp thị lại” – nhắc lại thông tin của người đăng quảng cáo nhằm lôi kéo khách hàng.

Sơ đồ quảng cáo tiếp thị lại (Remarketing Ads)

Thực tế không tránh khỏi là có rất nhiều người vào trang web của bạn. Tiềm năng hơn là họ xem các trang sản phẩm, thậm chí là trang giỏ hàng, hay trang thanh toán, nhưng vì lý do nào đó lại thoát ra và không hoàn tất giao dịch. Với những đối tượng này, tiếp thị lại là công cụ hữu hiệu để đưa những khách truy cập đó trở lại trang web của bạn, và thuyết phục họ mua hàng.

4. Quảng cáo mua sắm (Google Shopping Ads):

Quảng cáo mua sắm là hình thức quảng cáo trực tuyến cho phép người mua hàng nhìn thấy các thông tin về sản phẩm mà mình đang quan tâm một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất.

Loại hình này thường dành cho doanh nghiệp bán hàng trên website, có đáp ứng đủ điều kiện. Vị trí xuất hiện thường trong 1 khối riêng trong trang SERP, nằm ở trên cùng hoặc bên phải của các kết quả tìm kiếm.

Người dùng search Google sẽ thấy thông tin quảng cáo như sau:

Quảng cáo mua sắm cho sản phẩm “Quạt phun sương”

Google Shopping Ads hướng quảng cáo của bạn đến tệp khách hàng chính xác hơn (có nhu cầu rõ rệt về sản phẩm). Nhờ đó, sẽ giúp bạn tăng cường hiệu quả quảng cáo trực tuyến, đồng thời góp phần thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp của bạn.

Hoạt động của Google Shopping Ads phức tạp hơn những hình thức khác, và được vận hành dựa trên 2 công cụ: Google Ads và Google Merchant Center.

>> Tìm hiểu thêm về Google Shopping Ads

5. Quảng cáo video (Video Ads):

Là loại hình quảng cáo với định dạng video, nhằm thu hút khách hàng tiềm năng bằng nhiều cách trên YouTube và trên các trang web đối tác video của Google.

Quảng cáo video trên Youtube

Bạn có thể chọn các định dạng quảng cáo video sau:

Quảng cáo trong luồng có thể bỏ qua
Quảng cáo trong luồng không thể bỏ qua
Quảng cáo khám phá video
Quảng cáo đệm
Quảng cáo ngoài luồng phát
Quảng cáo trên trang đầu

Tìm hiểu thêm về các định dạng quảng cáo Video tại đây.

6. Quảng cáo email (Gmail Ads):

Gmail Ads cũng là một dạng của quảng cáo cho phép hiển thị trong tab Quảng cáo trong hộp thư đến của Gmail. Khi bạn nhấp vào một trong những quảng cáo này, nội dung quảng cáo có thể mở rộng ra giống như một email.

Quảng cáo trên Gmail

Hình thức này phát huy tác dụng với những quảng cáo về sản phẩm dịch vụ tầm trung và cao cấp, phù hợp với ngách thị trường mà người dùng check email thường xuyên (vd: giới công nghệ).

7. Quảng cáo thông minh (Smart)

Công cụ Smart Campaign (Chiến dịch Tiếp thị thông minh) là một tính năng mới trên Google Ads. Tính năng mới này được Google bổ sung dành cho các doanh nghiệp nhỏ trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Nhờ việc ứng dụng công nghệ học máy, công cụ quảng cáo thông minh Smart Campaigns giúp đơn giản hoá các bước tạo và quản lý chiến dịch quảng cáo, tự động tăng độ hiển thị quảng cáo đúng với đối tượng phù hợp lên gấp 3 lần, phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ.

8. Quảng cáo ứng dụng toàn cầu (Apps):

Là loại quảng cáo các ứng dụng (apps), nhằm đưa ứng dụng tiếp cận đến nhiều người dùng hơn.

Hình thức này giúp bạn dễ dàng quảng cáo ứng dụng trên các sản phẩm Google Tìm kiếm, Google Play, YouTube và Mạng hiển thị của Google.

Lợi ích của quảng cáo Google

Bạn bỏ tiền và thời gian, hẳn bạn quan tâm đến lợi ích mà quảng cáo trên Google mang lại. Từ đó có thể đánh giá và so sánh với những hình thức đầu tư khác (chạy quảng cáo Facebook chẳng hạn), để lựa chọn và tối ưu hình thức quảng cáo.

Đây là những ích lợi dễ thấy từ Google Ads:

Giúp bạn tiếp cận đúng khách hàng tiềm năng, ít nhất là gần đúng nếu bạn biết cách thực hiện (chi tiết phía dưới).
Giúp doanh nghiệp nhỏ có “lối tắt” để lên Top để lọt vào tầm mắt khách hàng. Chẳng hạn, khi bạn mới khởi nghiệp trong lĩnh vực khốc liệt như du lịch, bất động sản, điện máy… thì sẽ cực kỳ khó để đưa website lên trang nhất Google một cách tự nhiên. Nhưng dùng Google Ads sẽ cho bạn giải pháp cho vấn đề này.
Hiệu quả đầu tư cao, quản lý chi phí tốt: Quảng cáo xuất hiện đúng đối tượng, giúp tăng tương tác và thu hút khách hàng tiềm năng, trong khi bạn chỉ trả chi phí khi có kết quả, có thể là khi khách hàng nhấp chuột hoặc tương tác theo mong muốn bạn đã lựa chọn khi cài đặt hình thức trả phí.
Dễ dàng thiết lập, triển khai, và quản lý: bạn có thể thiết lập và bắt đầu chạy chiến dịch trong vài phút (nếu biết cách làm), và cũng có thể tùy chỉnh nội dung, chọn ngôn ngữ hiển thị, khu vực địa lý, tạm dừng chiến dịch nào đó… gần như tức thì.
Theo dõi hiệu quả sát sao: Google cung cấp thống dữ liệu thống kê, báo cáo, cập nhật chính xác với rất nhiều số liệu thống kê, và có tới vài chục loại báo cáo về chiến dịch quảng cáo để bạn nghiên cứu phân tích.

Nhận thức được những lợi ích đó, bản thân công ty Carly chúng tôi cũng dành 1 ngân sách nhất định để chạy quảng cáo trong những giai đoạn nhất định, kết hợp với tối ưu hóa website, và các giải pháp marketing online khác. Như hình dưới, Mẫu quảng cáo của Carly cũng lên Top quảng cáo.

Cách tính phí quảng cáo Google Ads

Hẳn bạn quan tâm nhiều đến số tiền phải bỏ ra để chi trả cho việc chạy quảng cáo. Với nhiều khách hàng mà tôi đã hợp tác, chi phí là một trong những yếu tố then chốt cần cân nhắc khi quyết định có tiến hành hay không.

Hiện bạn có 3 lựa chọn để trả phí như dưới đây. Mỗi cách trả phí có ưu nhược điểm mà người chạy quảng cần nghiên cứu để lựa chọn cho phù hợp với khả năng tài chính, lĩnh vực hoạt động, mục tiêu chiến dịch.

1. CPC – Cost Per Click

Với hình thức này, bạn sẽ bị tính tiền khi ai đó nhấp vào quảng cáo của bạn. Nghĩa là khi thấy quảng cáo, mà không nhấp vào (xem trang web hoặc gọi điện thoại) thì bạn cũng không mất tiền.

Hình thức CPC chỉ cho mạng tìm kiếm và mạng hiển thị.

Bạn sẽ phải trả cho mỗi lần khách click vào quảng cáo 1 số tiền mà bạn đã đấu giá khi thiết lập quảng cáo. Thường thì bạn đặt hạn mức tối đa và để Google tự đấu giá.

Công thức tính phí như sau:

Chi phí quảng cáo = (chi phí mỗi click * số lượng click)

Ví dụ, chi phí mỗi click là 5000đ và số lượng là 12 lần click, thì phí sẽ = 5000×12 = 60000đ.

Đơn giản vậy thôi.

2. CPM – Cost Per thousand Impressions

Phí quảng cáo tính theo mỗi 1000 lần quảng cáo được hiển thị. Cứ hiển thị (người dùng nhìn thấy) quảng cáo là sẽ mất phí, không cần biết họ có tương tác gì thêm không.

Hình thức này chỉ dùng cho hệ thống mạng hiển thị của Google.

Vì người dùng nhìn thấy quảng cáo là bạn đã mất phí, do đó hình thức này phù hợp hơn khi bạn cần quảng bá thương hiệu. Khi đó, bạn chỉ cần đưa thương hiệu hoặc thông điệp của mình đến với người dùng là đã đạt mục tiêu.

3. CPA – Cost Per Action

Mất phí khi ai đó nhấp vào quảng cáo và có hành động cụ thể trên website (đã được chọn trước) như: điền form đăng ký, nhấn nút gọi điện, đăng ký tài khoản, tải báo giá, thực hiện đặt hàng…

Để thực hiện, bạn cần phải định nghĩa trước và khai báo với Google Ads để hệ thống có thể hiểu và theo dõi chuyển đổi trên website của bạn.

Có thể nói đây là hình thức quảng cáo cấp cao và khó sử dụng nhất của Google. Nó chỉ phù hợp với các nhà quảng cáo dày dạn và quan tâm nhiều đến hành động chuyển đổi. Tất nhiên, nếu bạn quan tâm thì cũng nên tìm hiểu và sử dụng, và đánh giá hiệu quả.

Trên đây là 3 hình thức tính phí phổ biến nhất. Qua đó bạn lựa chọn cho mình cách nào phù hợp với mục tiêu.

——-

Lưu ý, trường hợp bạn thuê công ty dịch vụ chạy quảng cáo, thì ngoài phí quảng cáo trả cho Google, bạn còn phải trả một khoản phí dịch vụ cho phía công ty đó. Như Carly chúng tôi khi chạy quảng cáo Google tại khu vực Hải Phòng thường tính phí dịch vụ trong khoảng từ 10-20% tổng phí phải trả cho Google.

>> Xem bảng giá quảng cáo Google Adwords của Carly tại đây

Với ngân sách hạn chế, một số người muốn tìm kiếm cách chạy quảng cáo google miễn phí, nhưng điều này gần như không thể. Bạn chỉ có thể tối ưu ngân sách cho quảng cáo thông qua việc tăng hiệu quả và tiết kiệm tiền chạy Ads.

Một số cách tiết kiệm chi phí quảng cáo Google Ads:
Tối ưu cài đặt quảng cáo: chọn và phân bổ ngân sách hợp lý, có thể loại bỏ những tỉnh thành không hiệu quả; lập lịch quảng cáo vào thời gian có chuyển đổi tốt, dừng chạy vào khung giờ không có chuyển đổi; xem xét tùy chỉnh giá thầu trên thiết bị nào có hiệu quả (chẳng hạn mobile hiệu quả desktop).
Nâng cao hiệu quả, điểm chất lượng, và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Cần tránh những trường hợp truy cập cao nhưng chuyển đổi thấp do hướng sai đối tượng xem, do bị click ảo, hay do trang đích kém hấp dẫn… Nên tạo nhiều mẫu quảng cáo (3-5), sau một thời gian sẽ ưu tiên mẫu nào nhận được nhiều click.
Sử dụng công cụ loại bỏ những từ khóa phủ định (Negative keywords), tránh tiêu tốn tiền vào những từ khóa không liên quan đến sản phẩm dịch vụ của bạn.
Tìm kiếm và lựa chọn từ khóa ít cạnh tranh, có giá thầu thấp nhưng tỷ lệ chuyển đổi tốt. Trong số đó có thể là các từ khóa dài có liên quan đến thị trường mục tiêu của bạn, hoặc tên sản phẩm hay những tên của các hãng mạnh trong lĩnh vực của bạn.
Cân nhắc chọn vị trí quảng cáo ở cuối trang tìm kiếm (giá thầu thấp hơn vị trí đầu trang).
Loại bỏ bớt IP trong phần cài đặt nâng cao, để giảm số lần hiển thị cho những máy tính không tiềm năng, gồm cả máy của bạn, và của các đối thủ cạnh tranh
Sử dụng mã khuyến mãi của Google. Thỉnh thoảng, Google cũng cho ra những mã khuyến mãi dạng Ads Voucher, hay Ads Coupon, có mệnh giá từ 900.000đ đến 1.350.000đ, nhằm khuyến khích khách hàng dùng dịch vụ. Họ gửi thông báo vào email của bạn (như ví dụ trong hình dưới đây). Bạn có thể tận dụng mã khuyến mại để giảm thiểu phần nào chi phí quảng cáo.

Nên làm quảng cáo Google hay SEO website?

Câu hỏi này cũng khá quen thuộc, nhất là với những ai mới quan tâm đến lĩnh vực Digital marketing.

Để trả lời, cần hiểu và so sánh trực quan 2 khái niệm này.

Quảng cáo Google là việc bạn trả tiền cho Google để đưa trang web hiển thị ở đầu và cuối trang kết quả tìm kiếm, trong khu vực dành cho quảng cáo.
SEO website là việc bạn thực hiện tối ưu hóa mà không phải trả tiền để đưa trang web lên những vị trí đầu trong số các kết quả tìm kiếm tự nhiên.

Bạn xem trong hình dưới đây.

Các quảng cáo phía trên, kết quả SEO nằm phía dưới

Như vậy mặc dù mục tiêu là tương đối giống nhau: đưa trang web lên Top đầu Google, nhưng cách thực hiện lại rất khác nhau. Và do đó, hiệu quả đem lại cũng không giống nhau.

Vậy thì nên làm cái nào?

Điều đó xuất phát từ thực tế là việc làm SEO mất rất nhiều thời gian công sức, kéo dài trong nhiều tháng mới có kết quả. Với những từ khóa khó, có thể mất cả năm trời. Nhưng bù lại, bạn không phải trả tiền cho Google.

Ngược lại, với Google Ads bạn không cần chờ lâu đến vậy. Chỉ cần trả tiền, và bỏ chút thời gian (hoặc thuê dịch vụ) thiết lập, là có kết quả gần như ngay lập tức. Có những chiến dịch chúng tôi đưa lên chỉ trong vòng chưa đến 30 phút, là khách hàng đã thấy quảng cáo xuất hiện. Rất nhanh phải không?

Cá nhân tôi xuất phát từ việc làm Content và SEO từ hơn 10 năm trước đây. Do đó, tôi rất chú trọng đến việc tối ưu hóa để đưa website lên đầu một cách tự nhiên. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tôi nhận thấy nhu cầu khách hàng muốn thấy hiệu quả ngay và chấp nhận đầu tư, nên tôi cũng rất ủng hộ việc chạy Google Ads.

Vậy cả 2 hình thức đều có những lợi thế, mà người làm marketing cần nắm rõ để sử dụng cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Chúng tôi thường tư vấn cho khách hàng lựa chọn theo chiều hướng thế này:

Với website mới xây dựng mà muốn có kết quả sớm, thì nên chạy quảng cáo, đồng thời vẫn làm SEO ở mức độ tương đối.
Với website đã có thâm niên và nội dung tương đối tốt, và đã có nhiều từ khóa được xếp hạng nhưng chưa cao, thì nên ưu tiên nhiều hơn cho SEO. Nếu cần, có thể chạy quảng cáo với những từ khóa khó, hoặc cạnh tranh cao (nhiều đối thủ làm).
Với website đã có nhiều nội dung và thương hiệu mạnh, nên tập trung làm SEO tổng thể, cho toàn bộ hệ thống từ khóa. Như vậy sẽ đưa rất nhiều từ khóa lên Top 1-3, một cách tự nhiên, mà không cần đến Google Ads.
Với những lĩnh vực rất cạnh tranh, như bất động sản, khách sạn, điện máy… thì gần như bắt buộc phải chạy quảng cáo để tiếp cận khách hàng trực tuyến. Tất nhiên, bạn vẫn tập trung cao cho việc làm SEO, và những giải pháp marketing khác (email, mạng xã hội, truyền miệng, KOL…).

Như vậy, bạn cũng nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn hình thức chạy quảng cáo hay làm SEO, hay kết hợp theo một tỉ lệ nào đó.

Và khi bạn muốn chạy quảng cáo thì rõ ràng điều cần phải biết là…

Các bước chạy quảng cáo Google Ads

Việc đó gồm nhiều bước:

Tạo tài khoản Google Ads. Nếu bạn đã có tài khoản Gmail thì chỉ cần đăng ký thêm mục quảng cáo là được.
Sử dụng công cụ Keywords Planner để nghiên cứu lựa chọn từ khóa để chuẩn bị.
Tạo chiến dịch & thiết lập các mẫu quảng cáo sao cho chuẩn SEO và hấp dẫn với người dùng. Nộp và chờ Google phê duyệt quảng cáo, có biện pháp xử lý nếu không thấy mẫu quảng cáo được hiển thị khi tìm kiếm.
Bơm tiền vào tài khoản quảng cáo
Theo dõi, chỉnh sửa tối ưu thường xuyên để tiết kiệm chi phí, cải thiện tỷ lệ hiển thị cũng như tăng chuyển đổi và tăng hiệu quả của chiến dịch.

>> Xem chi tiết Hướng dẫn chạy quảng cáo Google Adwords

Các bước trên giúp bạn tạo và đưa quảng cáo hoạt động. Nhưng để kiếm được khách hàng (hoặc đạt được thêm những mục tiêu nào khác), thì bạn cần nắm rõ được cách tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua quảng cáo, từ đó đưa vào những hành động cụ thể trong quy trình chạy Google Ads nêu trên.

Và đây là định hướng tiếp cận khách hàng qua quảng cáo Google:

Xác định rõ chân dung khách hàng mục tiêu, càng cụ thể càng tốt. Họ là ai, giới tính nào, độ tuổi bao nhiêu, nghề nghiệp gì, quan tâm gì đến sản phẩm dịch vụ của bạn…?
Nghiên cứu và xác định từ khóa mà khách hàng mục tiêu quan tâm tìm kiếm để giải quyết vấn đề mà họ đang quan tâm hoặc đang gặp phải, mà có liên quan đến những gì bạn đang muốn giới thiệu hoặc chào bán.
Viết nội dung mẫu quảng cáo hấp dẫn, độc đáo, để thuyết phục người đọc nhấp chuột vào đó xem chi tiết, nhằm giải quyết nhu cầu của chính họ.
>> Xem hướng dẫn chi tiết Cách viết nội dung quảng cáo Google Adwords
Tạo và tối ưu hóa trang đích cụ thể, để đưa khách hàng mục tiêu ghé thăm khi họ thấy quảng cáo, đồng thời thuyết phục họ thực hiện hành động mà bạn mong muốn (như gọi điện vào số Hotline). Việc tối ưu hóa landing page này cũng tương tự như các nghiệp vụ làm SEO website.
Những lưu ý khi chạy quảng cáo Google Ads
Nên bỏ thời gian nghiên cứu tìm hiểu trước khi bắt đầu, nhất là khi bạn có ý định học Google Ads để tự chạy quảng cáo. Có lẽ bạn cũng nên cân nhắc tham dự một khóa học quảng cáo Google Ads một cách bài bản để trang bị kiến thức cho mình, trước khi bắt tay vào làm.
Chạy thử chiến dịch với 1 số tiền nhỏ (300-500 nghìn đồng) để học hỏi rút kinh nghiệm và đo lường hiệu quả. Sẽ có nhiều điều bạn chỉ phát hiện ra khi làm trực tiếp, trong đó có cả những sai sót không đáng có. Do đó, một ngân sách nhỏ trong một vài ngày hoặc 1-2 tuần đầu, sẽ giảm rủi ro và tránh lãng phí cho bạn.
Nếu bạn muốn thuê công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo Google Ads để tận dụng chuyên môn của họ thì hãy kiểm tra uy tín của những công ty đó, nếu họ có chứng nhận đối tác của Google (Google Partner) thì bạn sẽ càng yên tâm. Còn nếu không, thì những dự án và lĩnh vực mà họ đã làm qua cũng giúp bạn đánh giá được tốt hơn năng lực của đối tác.
Khi mới làm, hãy bắt đầu đơn giản nhất có thể: chỉ cần viết 1 mẫu quảng cáo (hoặc ít nhất mà hệ thống cho phép) để khởi động luôn. Khi đã quen, bạn nên viết tăng thêm nội dung: mỗi nhóm quảng cáo nên viết 3-5 mẫu để chạy và so sánh hiệu quả, từ đó tìm ra mẫu tối ưu. Nếu tự làm, bạn cần phải luyện nhiều việc viết lách này. Còn khi thuê dịch vụ, bạn biết viết cũng để hợp tác và giám sát họ.
Nên sử dụng các tiện ích mở rộng (extentions) là các mục thông tin được thêm vào mẫu quảng cáo như: số điện thoại, link điều hướng đến các trang khác trên website…
Cần kiên nhẫn, vì không phải cứ chạy quảng cáo là sẽ có liền ngay khách hàng gọi đến. Mặc dù Google Ads là giải pháp khá nhanh chóng, nhưng cũng vẫn cần đủ thời gian thì mới thấy được hiệu quả.
Một số sai lầm cần tránh khi chạy Google Ads
Chạy quảng cáo là sẽ có ngay khách hàng gọi đến. Điều này không hẳn là sai, nhưng bạn cần biết thiết lập và tối ưu quảng cáo, và cũng cần thời gian thì khách hàng tiềm năng mới tìm tới.
Chọn sai từ khóa, dẫn tới tiếp cận sai khách hàng tiềm năng. Rõ ràng, bạn chọn nhầm người, thì chẳng mong gì họ mua sản phẩm dịch vụ của bạn.
Nội dung quảng cáo kém chất lượng: khó thu hút người dùng click vào xem, và như sẽ rất khó cạnh tranh với Ads của công ty khác ở xung quanh (vì vậy sẽ giảm CTR, dẫn tới chịu mức phí cao hơn). Trường hợp khác: Nội dung không đủ thông tin cần thiết, hoặc không được tối ưu, nên người dùng vào xem nhưng không làm điều bạn mong muốn, chẳng hạn như gọi điện hỏi thuê dịch vụ.
Không sử dụng công cụ loại bỏ những từ khóa phủ định (Negative keywords), dẫn tới tiếp cận sai mục tiêu, và tiêu tốn tiền vào những click không mong đợi. Ví dụ điển hình loại này là những từ khóa có cụm từ như “cũ”, “rẻ”, “miễn phí”…(họ muốn hàng free, nên không mua sản phẩm của bạn) hay từ khóa có tên đối thủ (họ biết rõ và muốn mua hàng của người khác, không phải của bạn), hoặc có vùng địa lý mà bạn không cung cấp sản phẩm dịch vụ. Những công ty quảng cáo có kinh nghiệm thường khắc phục tốt điểm này, kết hợp với chặn click ảo, nhờ vậy họ có thể quảng bá về dịch vụ quảng cáo Google giá rẻ, mà thực tế là giúp khách hàng tiết kiệm phí, tăng hiệu quả chuyển đổi.

Không sử dụng negative keywords => hiển thị quảng cáo “vận chuyển hàng” khi tìm “nhà hàng”

Trang đích có vấn đề: nội dung kém, không thân thiện thiết bị di động, bố cục không hấp dẫn người dùng, không khuyến khích được người dùng thực hiện hành động mong muốn, vd: gọi điện thoại, điền Form đăng ký…
Kết luận

Có thể nói quảng cáo Google Ads đang trở nên rất thông dụng ở Việt Nam. Việc thông hiểu và áp dụng hiệu quả sẽ giúp bạn cải thiện hiệu quả kinh doanh, cùng với áp dụng các hình thức quảng cáo trả tiền khác như Facebook, Youtube, Zalo…

Nếu bạn thấy việc thực hiện các bước như trên phức tạp quá, thì vui lòng liên hệ với Carly để được tư vấn về dịch vụ quảng cáo Google chuyên nghiệp, uy tín.

Đánh giá post