SEO Local là gì? Cách để tăng khách hàng nhanh chóng

Nhiều người chưa hiểu rõ Local SEO là gì, và có tác dụng thế nào với việc làm tối ưu hóa cho website để có thể lên Top trên bản đồ Google Maps tại địa phương mình.

Dưới đây là những thắc mắc phổ biến về nội dung này, mà có thể bạn cũng đang băn khoăn:

Đã làm SEO website thì tại sao phải SEO local tại địa phương nữa? Làm trên cả phạm vi rộng, như toàn Việt Nam không có lợi hơn hay sao?
Nghiệp vụ Local SEO có gì khác, hay đặc biệt hơn không?
Có nhất thiết phải áp dụng kỹ thuật này hay không?

Trong bài viết này, tôi sẽ thảo luận cụ thể. Hy vọng bạn tìm thấy câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi của mình.

NỘI DUNG CHÍNH

Local SEO là gì? Và các khái niệm liên quan…

Local Search là gì?
Trang kết quả địa phương (Local SERP) là thế nào?
Snack Pack trên trang kết quả tìm kiếm địa phương
Google My Business là gì?
Citation là gì trong Local SEO?
Local SEO có khác gì với SEO thông thường không?
Local SEO giúp bạn thu hút khách hàng mới thế nào?
Cách triển khai làm Local SEO thế nào?

Tối ưu hóa thông tin trên Google My Business
Tối ưu hóa On-Page theo hướng địa phương
Xây dựng và tối ưu Citation để làm SEO địa phương
Tóm lược

Trước hết tôi muốn giải thích nhanh một vài khái niệm nhé…

Local SEO là gì? Và các khái niệm liên quan…

Local SEO là việc tối ưu hóa nhằm đưa doanh nghiệp của bạn tại địa phương tiếp cận nhiều người dùng hơn, khi họ tìm kiếm online với những cụm từ khóa có liên quan đến dịch vụ của bạn tại địa phương đó.

Nói cách khác, Local SEO giúp website của bạn đạt thứ hạng cao hơn đối với người dùng địa phương.

Tôi lấy ví dụ thế này:

Bạn kinh doanh khách sạn tại thành phố Hạ Long, thì bạn sẽ muốn người dùng tìm thấy khi search những cụm từ liên quan như “khách sạn tại Hạ Long” hay “phòng nghỉ bình dân tại Hạ Long” trên Google, Cốc Cốc, hay công cụ tìm kiếm khác.

Việc bạn triển khai tối ưu hóa để lên Top với những từ liên quan đến địa phương như vậy chính là Local SEO. Và cách người dùng tìm kiếm sản phẩm dịch vụ bằng kiểu từ khóa như vậy gọi là Local Search.

Local Search là gì?

Đó là việc người dùng tìm kiếm sản phẩm dịch vụ, mà có ý định nhắm tới một địa phương cụ thể thì gọi là Local Search.

Trong ví dụ trên, rõ ràng người dùng tìm kiếm dịch vụ khách sạn tại một địa danh cụ thể là thành phố Hạ Long. Họ cũng có thể đang ở chính khu vực đó, gõ cụm từ “khách sạn quanh đây”, và Google đủ thông minh để hiểu “quanh đây”, hay “gần đây” chính là vị trí hiện tại của người dùng.

Khi bạn tìm kiếm bằng điện thoại di động, hoặc bằng máy tính để bàn và cho phép Google theo dõi vị trí của mình, thì bạn không cần nhập tên địa danh thì Google cũng đã biết. Như vậy, khi người dùng đang ở Hạ Long, mà dùng điện thoại tìm kiếm từ khóa “khách sạn bình dân”, thì mặc nhiên kết quả sẽ hướng tới địa phương là Hạ Long (vị trí của bạn).

Và Google sẽ dựa vào những yếu tố sau để xếp hạng các website trên Local SERP:

1. Relevance – Sự liên quan

Thông qua thông tin mà doanh nghiệp đã khai báo, Google xác định mức độ liên quan và sự phù hợp của doanh nghiệp với thông tin mà người dùng đang truy vấn. Chẳng hạn về sản phẩm dịch vụ, địa chỉ… Càng liên quan nhiều, thì càng dễ được lên Top.

2. Distance – Khoảng cách

Khoảng cách từ vị trí người dùng tìm kiếm (xác định bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS) và địa chỉ doanh nghiệp đã khai báo với Google được coi là tiêu chí quan trọng khi xếp thứ hạng trên trang kết quả. Điều này dễ hiểu, vì đây là SEO mang tính địa phương, và hướng tới một khu vực địa lý cụ thể.

3. Prominence – Sự nổi tiếng

Mức độ nổi tiếng của doanh nghiệp cũng góp phần quyết định thứ hạng trên Google Maps. Tiêu chí này được tổng hợp từ những thông tin mà Google có được về doanh nghiệp đó: liên kết, bài viết, đánh giá, điểm bình quân…

Dựa vào việc một doanh nghiệp nổi tiếng như thế nào, Google sẽ quyết định thứ hạng của doanh nghiệp đó trên Local map.

>> Tham khảo thêm bài viết trên Moz về các yếu tố xếp hạng kết quả Local Search

Sau khi xếp hạng, cỗ máy tìm kiếm sẽ trả về trang kết quả có tham khảo yếu tố địa phương.

Trang kết quả địa phương (Local SERP) là thế nào?

Khi người dùng tìm cụm từ định hướng địa phương, thì trang kết quả (SERP – Search Engine Results Pages) cũng sẽ liệt kê theo hướng như vậy.

Tìm khách sạn tại Hạ Long, thì kết quả sẽ liệt kê những khách sạn tại đó. Có 2 nhóm kết quả loại này, tôi tạm lấy theo tiếng Anh là: Snack Pack và Organic Result.

Snack Pack trên trang kết quả tìm kiếm địa phương

Snack Pack là nhóm thường có 3 kết quả trong khung chữ nhật, thường hiển thị ở phần đầu trang, có bản đồ thể hiện vị trí của 3 doanh nghiệp như ví dụ trong hình dưới đây cho cụm từ “du thuyền Hạ Long”.

Kết quả trên Google Maps

Với loại hình khách sạn, thì Snack Pack hiện đang cho hiển thị 4 công ty. Các mục thông tin cũng có phần đặc trưng riêng. Nếu bạn vào từng khách sạn cụ thể, sẽ thấy vô số thông tin chi tiết và quan trọng mà khách có thể quan tâm. Những bạn nào làm SEO cho khách sạn cần lưu ý tận dụng công cụ này.

Kết quả trong bảng Snack Pack này khác với kết quả tự nhiên (Organic result). Ngoài tiêu đề (thường là Tên gọi), còn có ảnh chụp đại diện, số điểm đánh giá, ngành nghề, địa chỉ, số điện thoại, và giờ mở cửa.

Kết quả Snack Pack thể hiện chi tiết hơn, và nhìn cuốn hút hơn kết quả tự nhiên trong hình dưới:

Rõ ràng, được lọt vào trong danh sách Snack Pack là một lợi thế, và cũng là mục tiêu của SEO địa phương. Công việc này có thuật ngữ riêng gọi là SEO Google Maps.

Nhưng Google lấy những thông tin ở đâu để đưa vào Snack Pack? Chính là từ hồ sơ trong Google My Business. Và bạn phải đăng ký và tối ưu thì mới có. Đó cũng là 1 trong những việc quan trọng khi làm SEO Local.

Google My Business là gì?

Có thể dịch là “Doanh nghiệp của tôi trên Google”. Công cụ này trước đây có tên là Google Local, được sử dụng phổ biến khi làm Local SEO, hay SEO Google Map.

Thực chất, Google My Business (GMB) là nơi lưu giữ và quảng bá hồ sơ về công việc kinh doanh của các công ty hoặc cá nhân trên Google.

Bạn có thể đăng ký mới cho công ty của mình. Hoặc với những doanh nghiệp đã có tên trên đó, nhưng chưa có chủ sở hữu, bạn có thể Xác nhận là doanh nghiệp của mình, để quản lý thông tin.

Những thông tin này được cung cấp cho Snack Pack (nêu ở phần trên). Và cũng để Google cho hiển thị trên góc phải màn hình (đầu trang mobile) về thương hiệu của bạn. Xem ví dụ về thương hiệu Vietravel trong hình dưới:

Hồ sơ của bạn trên GMB bao gồm những thông tin mà bạn nhập vào, chẳng hạn như:

mô tả công ty,
lĩnh vực hoạt động,
sản phẩm dịch vụ bạn cung cấp,
chi tiết liên hệ,
giờ mở cửa…

Nhưng ngoài ra, GMB còn có những thông tin về công ty bạn do người dùng nhập vào, cụ thể là phần đánh giá và chấm điểm (Review), câu hỏi trong phần hỏi đáp (Q&A). Đó thường là những trải nghiệm, hay thắc mắc của khách hàng về sản phẩm dịch vụ của bạn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Local SEO là bổ sung và cập nhật thông tin trên GMB cho đầy đủ và chính xác nhất có thể. Như vậy bạn sẽ tăng cơ hội được lọt vào khối Snack Pack, cùng với hy vọng rằng được hiển thị đủ hấp dẫn và tin cậy để được người dùng nhấp chuột tìm hiểu thêm, hoặc gọi điện. Điều này nghĩa là chuyển đổi từ người xem thông thường, thành khách hàng tiềm năng.

Và GMB mà tôi vừa trình bày cũng là một ví dụ tiêu biểu của khái niệm “Citation”, tạm dịch là “Trích dẫn” hay “Đề cập”.

Citation là gì trong Local SEO?

Citation kết quả hiển thị khi người dùng trích dẫn online thông tin liên hệ (NAP – Name, Address, Phone number) của doanh nghiệp hay cá nhân nào đó, thường là các trang web danh bạ hay danh sách công ty.

Việc xuất hiện khi người dùng tìm kiếm như vậy là rất quan trọng với Local địa phương. Nếu thông tin của công ty bạn không xuất hiện khi có ai đó tìm kiếm về sản phẩm dịch vụ bạn đang cung cấp, thì đối thủ của bạn sẽ có mặt thay. Và chắc bạn không thích điều đó, đúng không?

Vậy phải thực hiện SEO Local cho tốt.

Có 2 loại citation: có cấu trúc (structured) và không cấu trúc (unstructured)

Citation có cấu trúc: thường là thông tin được nhập vào theo các ô định dạng có sẵn trên website, thường là các trang danh bạ. Ví dụ dưới là thông tin về nhà hàng Texas BBQ trên tripadvisor.com.vn

Citation không có cấu trúc: thông tin về công ty từ các nguồn như báo điện tử, mạng xã hội, blog của doanh nghiệp. Ví dụ như hình dưới đây, trích từ bài viết trên 5giay.vn

Việc thu thập các citation cho công ty bạn rất quan trọng với Local SEO. Do đó bạn nên có chính sách xây dựng các citation với thông tin NAPW đầy đủ và nhất quán trên các kênh chính, nhất là các website liên quan và có ảnh hưởng trong ngành nghề của bạn, ví dụ như:

Foody, Lozi: cho nhà hàng, khách sạn
Tripadvisor: cho địa điểm du lịch, khách sạn
Carmudi: salon ô tô
Local SEO có khác gì với SEO thông thường không?

Như tên gọi đã thấy rõ: Local SEO thực chất cũng là SEO, nhưng về mặt phạm vi, thì có định hướng tới vị trí địa lý hay địa phương cụ thể.

Còn SEO mà không hướng tới Local, thì được hiểu là là trên phạm vi toàn cầu.

Vì vậy, có thể nói: Local SEO là một bộ phận cấu thành chứ không tách biệt với SEO theo nghĩa thông thường mà chúng ta hay đề cập đến. Một cách đầy đủ hơn, khi nói các nghiệp vụ làm SEO thông thường thì sẽ bao gồm những thành phần chính là:

Technical SEO: tối ưu hóa về mặt kỹ thuật, thường trên phạm vi toàn trang (Sitewide)
SEO On-Page: những yếu tố trong nội dung trang con (Page)
SEO Off-Page: những yếu tố ngoài website (còn gọi là Off-site)
SEO Local: tập trung kết hợp các yếu tố nêu trên, nhưng định hướng địa phương (như nội dung của bài viết này)

=> Tìm hiểu tổng hợp các loại này trong bài viết về SEO Audit hoặc SEO checklist đầy đủ.

Nếu chỉ mang tính địa phương thì tại sao lại cần Local SEO?

Là vì lợi ích rất lớn mà nó mang lại. Rất lớn bạn nhé!

Local SEO giúp bạn thu hút khách hàng mới thế nào?

Theo số liệu Google công bố năm 2018, có đến 46% lượng tìm kiếm hiện nay “mang tính địa phương”.

Con số khá lớn phải không? Theo ngành nghề và quốc gia, thì số liệu sẽ khác đi ít nhiều, nhưng gần ½ lượng tìm kiếm sản phẩm dịch vụ có xu hướng gắn với 1 khu vực địa phương nào đó.

Và ở địa phương mà bạn đang cung cấp sản phẩm dịch vụ, gần 1 nửa người dùng tìm kiếm mang tính địa phương. Bạn muốn tận dụng cơ hội để họ tìm thấy mình trên internet, đúng không?

Tôi chắc là như thế rồi.

Và lợi ích cụ thể của Local Seo là có thể giúp bạn thu hút khách hàng mới hiệu quả hơn.

Tại sao như vậy?

Vì những lý do chính mà tôi sẽ liệt kê ngay bây giờ.

Khách hàng đang chuyển sang kênh internet ngày càng nhiều để tìm kiếm các doanh nghiệp địa phương, cũng như tìm sản phẩm hay dịch vụ.
Tỉ lệ dùng thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng) ngày càng nhiều. Những thiết bị này mặc định và có thế mạnh khi tìm kiếm mang tính khu vực, như trên tôi đã nói.
Tìm kiếm địa phương (local search) có tỉ lệ chuyển đổi cao, chỉ số ROI cao, vì nó xuất hiện với khách hàng tiềm năng đúng vào thời điểm họ cần.

Xu hướng tìm kiếm địa phương ngày càng thịnh hành. Và giờ là lúc bạn cần tận dụng các dịch vụ SEO Local để đẩy mạnh việc kinh doanh của mình trước khi các đối thủ bắt kịp.

Hầu hết các doanh nghiệp đều có thể cải thiện hiệu quả kinh doanh và kiếm thêm thu nhập nhờ áp dụng Local SEO. Vì vậy, bạn nên bắt đầu luôn hôm nay, nếu không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua cạnh tranh.

Tìm hiểu thêm về dịch vụ SEO Google Maps

Và nếu bạn muốn tìm hiểu cách thức, thì dưới đây là các bước phải làm.

Cách triển khai làm Local SEO thế nào?

Như phần đầu tôi đã nói, mục đích của local SEO là làm cho thông tin NAP về doanh nghiệp của bạn xuất hiện trên Top khi người dùng tìm kiếm sản phẩm dịch vụ mang tính địa phương mà bạn đang nhắm tới.

Do đó, khi triển khai cần có 3 nhóm công việc chính tôi sẽ liệt kê dưới đây, trong đó có các khái niệm đã nêu ở phần đầu bài viết.

Tối ưu hóa thông tin trên Google My Business (GMB)
Tối ưu hóa On-Page mang tính địa phương
Xây dựng Citation ở những nơi quan trọng

Và đây là chi tiết từng nhóm công việc:

Tối ưu hóa thông tin trên Google My Business

Để làm việc này, trước hết bạn cần đăng ký tài khoản Google (nếu chưa có).

Đăng nhập Google My Business. Điền thông tin về doanh nghiệp mình, càng đầy đủ càng tốt. Xác minh thông tin khi được yêu cầu.

Tối ưu hóa thông tin trên GMB, để người dùng dễ tìm kiếm, và Google đánh giá cao hơn khi xếp hạng. Ngoài xác minh thông tin cho chuẩn xác, bạn cần phải làm thêm:

Bổ sung thêm danh mục lĩnh vực kinh doanh của bạn, ví dụ: dịch vụ quảng cáo
Sử dụng video và hình ảnh về công ty bạn
Bổ sung đầy đủ thông tin về giờ mở cửa, dịch vụ cung cấp, số điện thoại phụ
Trả lời những lời đánh giá nhận xét (review) từ người dùng

=> Tìm hiểu chi tiết về Cách tối ưu hóa Google My Business

Tối ưu hóa On-Page theo hướng địa phương

Bạn vẫn cần áp dụng các cách tối ưu hóa nói chung cho website, quan trọng nhất là:

Thẻ Title, Description phải chứa từ khóa (1 lần), càng gần đầu càng tốt
Title độ dài tối đa 70 ký tự, nên nằm trong khoảng 60-70 (tìm hiểu thêm về thẻ Title tại đây)
Độ dài Description tối đa 170 ký tự, nên trong khoảng 155-170
Nội dung trang có từ khóa, nên trong 100 từ đầu tiên, và càng gần đầu càng tốt
Mật độ từ khóa dưới 5%, nên ở mức 2-3% là phải
Bố trí từ khóa trong các thẻ đề mục (Heading)
Đảm bảo website thân thiện với thiết bị di động…

Các yếu tố SEO On-Page đều góp phần trực tiếp và gián tiếp tác động đến tối ưu hóa local.

Cùng với đó, để tăng tính địa phương hóa, bạn cần làm thêm những thao tác sau:

Địa phương hóa thẻ Title, Description, và nội dung trang
Đưa tên địa danh vào thẻ này. Có thể thêm trực tiếp vào từ khóa, trở thành từ khóa mở rộng. Ví dụ thay vì “khách sạn bình dân” thì chuyển thành “khách sạn bình dân tại Hạ Long”.
Bổ sung vào bài viết những thông tin hữu ích mang tính đặc thù địa phương, ở những vị trí phù hợp, để tăng tính hấp dẫn người đọc, và cũng tăng số lần lặp lại địa danh mà bạn đang hướng tới. Trong ví dụ nêu trên về từ khóa “khách sạn bình dân tại Hạ Long”, bạn hoàn toàn có thể viết thêm thông tin giới thiệu về cảnh đẹp của di sản thiên nhiên Hạ Long, hay về con người nơi đất mỏ Quảng Ninh. Lưu ý: không spam từ khóa, và phải đảm bảo kỹ thuật viết sao cho hấp dẫn và lấy người đọc làm trung tâm.
Dùng thêm những từ khóa biến thể hoặc mở rộng (kiểu LSI keyword) có tên địa danh, trong nội dung bài viết. Chẳng hạn: “nhà nghỉ tại Hạ Long”, “tìm khách sạn giá rẻ tại Hạ Long”, “nhà thuyền tại Vịnh Hạ Long”…
Chèn thẻ Meta GEO vào

Tạo và chèn trực tiếp thẻ Meta Geo vào thẻ của website để khai báo vị trí của website với Google. Việc này giúp công cụ tìm kiếm định hướng tốt hơn về vị trí mà bạn đang hướng tới.

Có thể tạo Meta GEO bằng công cụ: https://www.geositemapgenerator.com/input

Chẳng hạn, nếu bạn làm SEO cho công ty du lịch ở Hạ Long, thì thông tin thẻ Meta GEO sẽ như sau:




Xây dựng và tối ưu Citation để làm SEO địa phương

Thực chất là việc đăng ký và chuẩn hóa thông tin NAP của bạn với các trang danh bạ liên quan. Đồng thời, tìm kiếm và chỉnh sửa những thông tin chưa chuẩn xác ở những nguồn khác, như blog, mạng xã hội…

Vậy tìm kiếm các danh bạ trong lĩnh vực của bạn thế nào?

Có một vài cách sau:

Suy nghĩ trong ngành nghề của bạn, những danh bạ nào phù hợp, nhất là tại tỉnh thành của mình
Sử dụng Ahref, vào phần: Site Explorer => nhập domain của đối thủ => chọn mục Anchors, rồi tìm những Anchor Text kiểu như: “bấm vào đây”, “tại đây”, “vào website này”… Qua đó sẽ tìm được những trang web danh bạ trong lĩnh vực của bạn, từ đó khai báo thông tin NAP của công ty bạn vào đó. Cách này cũng không hiệu quả lắm.
Sử dụng Ahref, vào phần: Site Explorer => nhập domain của đối thủ => chọn mục Backlinks => Linktypes (nofollow), tìm các trang danh bạ phù hợp
Sử dụng Ahrefs => Link Intersect để tìm các trang web đặt liên kết tới đối thủ của bạn, nhưng chưa tới web của bạn.

Ngoài các danh bạ, bạn cũng nên tìm kiếm thông tin công ty mình trên internet, chẳng hạn bằng từ khóa là tên công ty. Kiểm tra các kết quả, nếu thông tin không chính xác thì cần liên hệ với quản trị viên của website, blog… để đính chính.

Mục tiêu là tất cả những thông tin về doanh nghiệp của bạn cần phải chính xác và nhất quán.

Tóm lược

Trong bài này tôi đã cố gắng giải thích chi tiết khái niệm Local SEO là gì, tại sao lại cần thiết, và các kỹ thuật triển khai thế nào.

Tôi thấy hiệu quả của nghiệp vụ tối ưu mang tính “local” này. Công ty tôi cũng thường xuyên triển khai cho khách hàng dùng dịch vụ SEO Local, hoặc SEO website tổng thể, cũng như cho chính website của Carly.

Đó là về phía tôi.

Còn bạn thì sao? Bạn có dùng Local SEO không? Bạn thấy hiệu quả thế nào?

Hãy chia sẻ để mọi người cùng đọc nhé.

Đánh giá post