SEO từ khóa lên top google như nào hiệu quả?

Biết cách SEO từ khóa lên Top Google sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tiếp cận khách hàng mục tiêu. Đây là công việc không dễ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự làm được nếu biết cách.

Và tôi sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm trong bài viết này, mục tiêu là để giúp những bạn mới vào nghề làm quen, hay những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tự mình tối ưu hóa trang web của doanh nghiệp.

Trước khi đọc tiếp, chúng ta cần thông hiểu về khái niệm cơ bản SEO là gì và tại sao phải làm SEO?.

Theo đó, làm SEO nghĩa là tối ưu hóa website sao cho trang web đó nằm trên top đầu trong kết quả tìm kiếm của Google hay các công cụ tìm kiếm khác.

Người dùng tìm trên Google với (những) từ khóa nhất định, tiếng Anh gọi là keyword. Với mỗi từ khóa, sẽ tìm ra 1 danh sách các trang kết quả. Ở đó, website nào nằm ở vị trí càng gần đầu tiên (trên top) thì sẽ càng có cơ hội được người dùng xem nhiều hơn.

Chắc hẳn bạn cũng đã dùng Google tìm kiếm thông tin, và đã quen với điều này rồi đúng không?

Vậy chúng ta hiểu, trong phạm vi hẹp: SEO thường gắn liền với từ khóa, chứ không phải SEO lung tung mất thời gian công sức mà không hiệu quả. Bạn phải tìm cách để trang web của mình đạt thứ hạng cao với những từ khóa liên quan đến lĩnh vực của mình. Hiểu theo nghĩa rộng, thì làm SEO bao hàm cả những việc không hẳn liên quan trực tiếp đến từ khóa, và tôi viết bài riêng về SEO tổng thể.

Trong bài này, tôi tập trung vào cách SEO từ khóa trong phạm vi số lượng từ khóa ít, có thể là 1 từ. Còn muốn SEO ở phạm vi rộng, chẳng hạn như 50-100 từ khóa trở lên, bạn nên tìm hiểu thêm về SEO tổng thể.

Giờ là các bước công việc chính cần tìm hiểu.

Cách SEO từ khóa lên Top Google

Tôi dùng từ lên Top Google cho thuận, chứ phải là lên những vị trí đầu tiên trong trang kết quả của các cỗ máy tìm kiếm (gọi tắt là SE – Search Engine) thì mới đầy đủ. Chẳng qua do Google quá phổ biến, nên khi lên được trang nhất của kết quả tìm kiếm của Google thôi cũng khá thành công rồi. Khi đó thứ hạng trên các SE khác cũng sẽ tốt. Vậy bạn cứ yên tâm nếu đạt được thứ hạng trên Top Google nhé.

Để đạt được vị trí Top, có khá nhiều việc phải làm. Tôi liệt kê để dễ theo dõi:

Xác định từ khóa cần SEO
Tạo trang nội dung với mỗi từ khóa đó
Áp dụng các kỹ thuật tối ưu hóa cho từng từ khóa
Đo lường, kiểm tra, tiếp tục chỉnh sửa
Xác định những từ khóa cần SEO

Bước thiết thực đầu tiên để SEO hiệu quả là chọn những từ khóa phù hợp cần làm SEO. Tôi muốn nhấn mạnh từ “phù hợp”, để ngụ ý rằng bạn cần đặt trong bối cảnh thực tế của mình mà phân tích, lựa chọn.

Tất nhiên, ai cũng muốn chọn những từ “khủng” nhiều người tìm kiếm. Nhưng những từ có lượng tìm kiếm (Search Volume) càng lớn, thì càng có nhiều đối thủ đã và đang làm nội dung về nó rồi. Đặc biệt cần lưu ý những từ ngắn, có nghĩa bao hàm rộng và Search Volume cực lớn thì nên tránh xa.

Ví dụ như từ “điện máy” lượng tìm kiếm rất lớn, nhưng đã có hàng vài chục gã khổng lồ đã chiếm lĩnh toàn bộ những trang đầu của Google rồi. Nếu định chọn từ khóa này, bạn lượng sức xem có thể đấu lại những thương hiệu như Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh, HC, Mediamart…? Nếu không thì tạm tránh những từ khóa kiểu như vậy nhé. Sau này tính sau.

Kinh nghiệm của tôi, trừ khi bạn có ngân sách khủng và thời gian nhiều, thiết thực nhất là nên chọn những từ khóa vừa tầm:

Có khoảng 4 đến 7 chữ: chẳng hạn “văn phòng phẩm Plus”
Có từ vùng địa lý cụ thể: Bán máy in HP quận Tân Bình, du lịch giá rẻ Đà Nẵng…
Có lượng tìm kiếm hàng tháng: trong khoảng 100-1000

Với những từ khóa “nặng ký” hơn, bạn nên để làm sau, khi trang web có nội dung đã nhiều lên.

Ngoài ra khi nói “SEO từ khóa” cũng là có ý phân biệt với “SEO tổng thể”. Giữa 2 cụm từ này có sự khác nhau về quy mô, hay phạm vi công việc. SEO từ khóa thường chỉ tập trung vào một hay một vài từ. Do đó ở bước này, bạn cũng chỉ nên xác định số lượng hạn chế, để tập trung nguồn lực cho hiệu quả.

Tạo trang nội dung với mỗi từ khóa

Giờ giả sử bạn đã có danh sách những từ khóa cần thiết, quan trọng, và rất muốn người dùng tìm thấy web của bạn khi họ search những từ khóa này. Phải làm sao đây?

Việc cần làm là phải tạo được nội dung cho từ này, ít nhất là 1 bài viết có chất lượng. Tiêu chí đánh giá là đối tượng khách hàng mục tiêu phải thấy hữu ích khi đọc. Họ tìm thấy thông tin hay, thú vị, hấp dẫn… thì mới đọc lâu, mới tương tác, và Google nhận ra điều đó nên xếp hạng cao lên.

Ngoài chất lượng về nội dung, bạn cũng cần lưu ý áp dụng kỹ thuật viết bài chuẩn SEO để đạt hiệu quả tốt hơn trong con mắt của Google. Những tiêu chí như: độ dài bài viết, vị trí và số lần lặp lại từ khóa, chèn ảnh đẹp theo nội dung của bài… rất quan trọng trong việc đưa website đạt thứ hạng tốt hơn với từ khóa đã chọn.

Để tăng tác dụng, bạn có thể viết thêm một vài bài để hỗ trợ cho 1 từ khóa chính. Tất nhiên, nội dung không được trùng lặp, mà phải mang tính bổ trợ cho nhau. Như vậy công cụ tìm kiếm sẽ dễ phát hiện ra từ khóa mà bạn đang hướng tới, và xếp hạng cũng nhờ đó mà tốt lên.

Áp dụng những kỹ thuật tối ưu

Với một hoặc một vài bài viết về từ khóa đã đăng lên web, giờ là lúc bạn cần thực hiện một số nghiệp vụ tiếp theo để phát huy hiệu quả của bài viết với Google.

SEO On-Page

Đó là tất cả những công việc phải thực hiện trên trang bài viết và trang web, chẳng hạn:

Độ dài bài viết nên từ 700 – 2000 từ, và có nội dung đủ rộng và sâu. Nếu bạn chỉ làm với 1 hoặc 1 vài từ khóa, thì độ dài bài viết quyết định gần như toàn bộ về phạm vi của nội dung. Nếu chỉ vài ba trăm từ, thì rất khó lên Top. Tôi thường chọn khoảng trên 2000 từ, để tạo nội dung phong phú và sâu sắc, gọi là Big Content.
Từ khóa chính và từ khóa liên quan (semantic keyword). Từ khóa cần đặt tại Tiêu đề chính (chỉ 1 lần), tiêu đề phụ (1-2 lần), bình quân lặp lại từ khóa khoảng 100-150 từ.
Hình ảnh đẹp và phù hợp chủ đề, có để thuộc tính Alt và chèn text mô tả ảnh có chứa từ khóa
Chèn thêm đường link tới website khác có uy tín và nội dung liên quan, nếu thấy hợp lý

>> Đọc chi tiết về SEO On-Page tại đây

SEO Off-Page

Là những công việc làm ngoài phạm vi trang bài viết, nhưng vẫn tạo hiệu quả nhất định cho việc cải thiện thứ hạng cho từ khóa chính của bài viết đó. Công đoạn này mất thời gian hơn On-Page, và không phải lúc nào cũng bắt buộc phải làm. Nhiều khi chỉ cần làm tốt SEO-OnPage cũng đã đủ đưa từ khóa lên Top.

Và đây là 2 công việc quan trọng khi làm Off-page:

Xây dựng Backlink trỏ từ trang web khác đến bài viết (và website) của bạn. Càng nhiều liên kết chất lượng từ những website uy tín đến bài viết, thì rank càng lên cao và bền vững. Theo như tôi thấy, đây là công việc mất thời gian và chậm mang lại hiệu quả nhất.
Thu hút comment từ các diễn đàn, mạng xã hội đến bài viết (muốn vậy bài phải hay). Đây cũng như thể 1 sự xác nhận gián tiếp về chất lượng bài viết. Bài có nội dung hay, thì nhiều người đọc, bình luận và chia sẻ.

>> Đọc thêm về SEO Off-Page tại đây

Khi đã thực hiện cả việc tối ưu hóa trên trang và ngoài trang bài viết, giờ là lúc phải nhìn lại để đánh giá.

Đo lường, kiểm tra, tiếp tục chỉnh sửa

Không thể biết chúng ta làm tốt như thế nào nếu không đo lường được kết quả.

Với SEO từ khóa, thì có nhiều cách. Đơn giản và nhanh nhất là dùng chính thứ hạng trên Google mà đánh giá hiệu quả công việc bạn triển khai.

Nếu bạn thấy mình đã làm các bước, mà không lên trang đầu Google, thì phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao và tìm cách khắc phục. Còn nếu đã “lên đỉnh” rồi, thì hãy vui mừng về thành quả đi đã. Nhưng đừng quá lâu, vì đối thủ cũng đang theo rất sát bạn. Ở vị trí cao, thì vẫn thực hiện các bước kiểm tra và tối ưu, và một việc luôn phải làm để duy trì vị trí: tiếp tục sáng tạo thêm nội dung chất lượng để làm hài lòng người đọc. Vậy thôi!

Ngoài chỉ tiêu là vị trí trên bảng xếp hạng, người làm SEO còn đo lường trên những tiêu chí quan trọng khác, chẳng hạn như:

Số khách ghé thăm trang (Page Visitor)
Số lần xem trang (Pageview)
Thời gian bình quân xem bài viết của mỗi khách (Viewtime)

Bạn cần kết hợp hài hòa các chỉ tiêu để có cái nhìn tổng quát cũng như chi tiết về kết quả công việc mình đang thực hiện. Từ đó có những điều chỉnh hợp lý, để tối ưu hóa hiệu quả.

Đến đây, tôi xin kết thúc bài viết hướng dẫn về Cách SEO từ khóa. Hy vọng bạn tìm được những thông tin hữu ích, thiết thực cho việc tối ưu website của mình.

Nếu bạn thấy nội dung bài viết bổ ích thì Like nhé!

Đánh giá post